Tư tưởng của Lê-nin soi sáng con đường cách mạng Việt Nam
V.I. Lê-nin là lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, người phát triển học thuyết của C.Mác và Ăng-ghen. Tư tưởng của V.I. Lê-nin luôn là kim chỉ nam, soi đường cho Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.
Lãnh tụ thiên tài
V.I. Lê-nin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là TP Ulianovsk). Ông là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của C.Mác và Ăng-ghen.
V.I. Lê-nin là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của C.Mác và Ăng-ghen (Ảnh Internet).
Ông cũng là người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo Nhân dân Nga tiến hành Cách mạng tháng Mười, thành lập ra nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo (7/11/1917).
V.I. Lê-nin qua đời ngày 21/4/1924, ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva. Thi hài ông được lưu giữ trong lăng trên Quảng trường Đỏ, Moskva. Sự ra đi của V.I. Lê-nin để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Nhân dân Xô viết và giai cấp vô sản trên thế giới.
V.I Lê-nin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong lễ kỷ niệm một năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)
54 tuổi đời, gần 30 năm hoạt động vì sự nghiệp cao cả, V.I. Lê-nin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.
Với những di sản để lại cho nhân loại tiến bộ, V.I. Lê-nin là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động toàn thế giới.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lê-nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã tạo ra những chiến sỹ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận khoa học cách mạng nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất”.
Tiếp nhận những tư tưởng, luận điểm sâu sắc từ V.I. Lê-nin, nhất là tư tưởng về quyền các dân tộc bình đẳng, về cách mạng vô sản… và bài học của Cách mạng tháng Mười Nga, bằng trí tuệ và kinh nghiệm sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định: “Con đường duy nhất đúng đắn của cách mạng Việt Nam là đi theo con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh (đồ họa: Trung Duy)
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi những tư tưởng của V.I Lê-nin và bài học từ Cách mạng tháng Mười Nga là “cẩm nang thần kỳ” nhưng không sao chép. Người tiếp thu tinh thần và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo Nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách để giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Ngoài ra, V.I. Lê-nin còn để lại những bài học quan trọng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng tổ chức và bộ máy của toàn hệ thống chính trị nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, từ di sản V.I. Lê-nin để lại cho nhân loại là chính sách kinh tế mới (NEP), Đảng đã đổi mới tư duy, khởi xướng và lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đảng và Nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, Đảng và Nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.
Các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; coi đây là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về cách mạng vô sản.
Có thể nói, tư tưởng của V.I. Lê-nin đã được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.
Hà Linh
(tổng hợp)