Tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông thời kỳ đổi mới
Chiều 24/7, tại tỉnh Quảng Ninh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề 'Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới'.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới".
Phát biểu đề dẫn tọa đàm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đức Ngọc, Bí thư Đảng ủy Học viện Báo chí Tuyên truyền, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh: Trải qua gần 100 năm hình thành và phát triển, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng vẫn luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho nền báo chí-truyền thông nước nhà, để từ đó báo chí-truyền thông luôn đồng hành cùng với đất nước đi qua những năm tháng cách mạng oanh liệt và vẻ vang.
Tuy nhiên, bối cảnh mới của tình hình thế giới và khu vực đang đặt ra rất nhiều thách thức mới cho nền báo chí-truyền thông của Việt Nam hiện nay. Tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ nền tảng như trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big data, công nghệ truyền thông thế hệ mới… đang tác động và làm thay đổi căn bản mọi mặt của đời sống xã hội.
Chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đem đến sự thay đổi tổng thể và toàn diện kể cả phương thức, cách thức làm việc, mô hình tổ chức, hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí dựa trên mô hình truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa dịch vụ, đa phương tiện. Cùng với đó là sức ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã và đang đặt ra những hướng phát triển mới cũng như những yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với báo chí-truyền thông nước nhà, để nhanh chóng bắt kịp với xu thế của thế giới và phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng hiện đại.
Tham luận tại tọa đàm, các đại biểu, nhà khoa học đều khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, kết quả của sự nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Theo nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh: Học tập cách viết của Bác, các nhà báo, phóng viên ngày càng quan tâm để tìm hiểu, nắm được đối tượng độc giả cả về trình độ, tâm tư, nguyện vọng, để mỗi bài viết bảo đảm ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng có tính thuyết phục và sức lan tỏa rộng sâu.
Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông có nhiều thay đổi cần xây dựng đội ngũ nhà báo tinh thông nghiệp vụ, có kỹ năng công nghệ, có trình độ ngoại ngữ nhằm tạo ra các tác phẩm báo chí-truyền thông phù hợp với xu thế thời đại.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới và nguyên nhân của những hạn chế đó; đồng thời thống nhất những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông ở Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải quán triệt quan điểm, nhận thức về nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông là vấn đề có tính nguyên tắc, nhằm bảo đảm định hướng chính trị và sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí-truyền thông, bảo đảm tính khoa học và những vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động của báo chí-truyền thông.
Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ quan báo chí-truyền thông ở Trung ương và địa phương trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ mới.