Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp phòng, chống 'tham nhũng' và vận dụng vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Ngay từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người lãnh đạo Nhà nước đã sớm đề cập đến nhiệm ụ chống các bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, những bệnh được Người gọi là 'bất liêm'. Không chỉ nêu rõ bản chất của tham ô là 'lấy của công làm của tư, là gian lận, tham lam, trộm cướp', Người còn chỉ rõ nguyên nhân, hậu quả của tham ô, tham nhũng và đặc biệt là Người cũng đưa ra một số phương pháp chống tham ô, hối lộ, ăn cắp của công… những biểu hiện của tham nhũng. Những phương pháp ấy không chỉ phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị bởi tính thời sự của nó.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP CHỐNG “THAM NHŨNG”

Hồ Chí Minh không dùng thuật ngữ “tham nhũng” mà Người nhắc đến các biểu hiện của tham nhũng với các tên gọi như tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu, gian lận, ăn cắp của công…. Để chống lại những biểu hiện này, Người đưa ra một số phương pháp sau đây:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ

Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư tưởng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bởi lẽ Người cho rằng, trong nhận thức tư tưởng của mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo, quản lý và quần chúng có thông suốt thì mới có thể tiến hành đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng thắng lợi. Chính vì vậy, muốn chống tham nhũng, trước hết cần “Phải khai hội đủ mặt mọi người trong cơ quan, đơn vị, trường học… để giải thích rõ ràng, nói đi nói lại, cho mọi người hiểu tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước thế nào, vì sao phải chống nạn ấy”. Đồng thời, muốn cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham ô, lãng phí có kết quả thì một vấn đề rất quan trọng là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất, “nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”; có cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đạo đức tốt thì “việc gì cũng xong”. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ tốt là hội đủ cả hai yếu tố đức và tài. Phải “hồng thắm, chuyên sâu”. Đạo đức là cái gốc của người cán bộ, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì nước cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có đạo đức làm nền, mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Nếu từng người cán bộ biết tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao khả năng “miễn dịch” trước mọi cám dỗ là đã đóng góp phần thiết thực vào cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Có tu dưỡng, rèn luyện được đạo đức cách mạng mới giúp đẩy lùi và quét sạch chủ nghĩa cá nhân – một căn bệnh cực kì nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến các thói tham ô, hủ hóa, lãng phí xa hoa, tham danh trục lợi tự cao tự đại, thích địa vị quyền hành, coi thường tâp thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, …

Hai là, chú trọng nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện việc công của cán bộ lãnh đạo, quản lý

Công khai vừa là nội dung quan trọng, vừa là biện pháp hàng đầu trong quá trình thực hiện dân chủ. Giải quyết mọi vấn đề một cách công khai, minh bạch thì mọi yêu cầu thực hiện dân chủ sẽ được thực hiện trôi chảy, có hiệu quả. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội là nội dung vừa thể hiện rõ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vừa là những nguyên tắc mang tính định hướng, “kim chỉ nam” để xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mở rộng thực hành dân chủ trong Đảng là điều cần thiết, bởi lẽ đảng viên của Đảng phải làm việc, lãnh đạo theo phong cách dân chủ, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ thì mới xây dựng được nước ta là nước dân chủ, chế độ dân chủ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo đó, Đảng “phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”(1). Ngược lại, sự mất dân chủ trong Đảng sẽ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết và làm nảy sinh các thói xấu, rất nguy hại như “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, “thậm thà thậm thụt”(2) . Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề mấu chốt của thực hành dân chủ trong Đảng chính là phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, còn được gọi là “dân chủ tập trung”. Dân chủ tập trung không chỉ là nguyên tắc lãnh đạo, mà còn là chế độ lãnh đạo của đảng cầm quyền. “Tập thể lãnh đạo là dân chủ”, “cá nhân phụ trách là tập trung” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”. Khẳng định vai trò quan trọng của nguyên tắc dân chủ tập trung đối với thực hành dân chủ trong Đảng, Người chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”(3).

Tiếp đến là thực hành dân chủ trong xã hội “để dân thực sự là chủ và làm chủ xã hội, để dân chủ được phát huy đến cao độ, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trên thực tế và đi vào thực chất; qua đó, xây dựng chế độ ta thực sự là một chế độ dân chủ và tạo ra “cái chìa khóa vạn năng” để Đảng ta cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công”(4). Thực hành dân chủ chính là quá trình huy động, thu hút sự tham gia và phát huy được tối đa quyền hạn, lực lượng của toàn dân để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng vì lợi ích của nhân dân, phát triển đất nước. Do đó, “phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”(5).

Nếu thực hiện tốt dân chủ và công khai sẽ tạo ra ối quan hệ đoàn kết trong cơ quan, đơn vi, tạo môi trường tốt để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham ô, lãng phí. Người cho rằng “Để nhân dân có thể kiểm soát được cán bộ thì phải xây dựng được cơ chế công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trước hết là trong hoạt động tài chính”; “Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - Sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô”... Như vậy, minh bạch là cốt lõi trong toàn bộ quá trình tực hiện dân chủ và cũng là biện pháp mà Hồ Chí Minh chỉ ra nhằm chống lại căn bệnh tham ô, lãng phí.

Ba là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình

Hồ Chí Minh khẳng định, tự phê bình và phê bình chính là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng, chống tham nhũng. Để tự phê bình và phê bình đem lại kết quả phải “khéo dùng cái vũ khí sắc bén” ấy, để không bị kẻ xấu lợi dụng vào việc công kích, nói xấu, triệt hạ nhau. Khi gặp khó khăn thì tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, dũng cảm vượt qua khó khăn. Khi thuận lợi thì tự phê bình và phê bình, để nhận rõ thách thức ở phía trước, không chủ quan “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Khi mắc khuyết điểm, sai lầm, kể cả tội lỗi xấu xa, đê tiện nhất thì “Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được”(6). Tự phê bình và phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân và tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ liên lụy đến uy tín, chức tước, địa vị và thứ bậc nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”(7). Vì vậy, Hồ Chí Minh cho rằng muốn tự phê bình và phê bình căn bệnh tham ô đòi hỏi phải có hai yếu tố đặc biệt quan trọng đó là thái độ và phương pháp đúng.

Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành một cách thường xuyên và tạo thành phong trào rộng rãi để chống nạn tham ô. “Muốn làm được như thế, cố nhiên phải có tổ chức, có chương trình, nhưng nếu cán bộ không cố gắng thì không thành công được”. Hồ Chí Minh căn dăn cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình tự phê bình và phê bình phải thành khẩn, trung thực, không đặt điều, không thêm bớt. Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, không nể nang, phải dựa vào sức hực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm, không nên thoa vẽ, che giấu. Tự phê bình và phê bình phải trên thái độ văn hóa ứng xử giữa con người với con người, hơn nữa đây là giữa những đảng viên với nhau – những người đồng chí, cùng nhau phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng, do đó “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kiểm soát quyền lực hiệu quả

Hồ Chí Minh khẳng định “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Do đó, nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha” bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”(8). Theo Hồ Chí Minh, muốn kiểm soát quyền lực phải có hai điều: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(9).

Để kiểm soát quyền lực, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải chú trọng lựa chọn những người biết đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” và “ít lòng tham muốn vật chất”, không vì cảnh nghèo mà thay lòng đổi dạ sinh ra bất liêm. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Đồng thời, phải lựa chọn những người có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực trình độ để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Không phải gặp việc gì, gặp ai cũng có thể phái đi kiểm tra, giám sát, kiểm soát được. Cán bộ phụ trách công tác kiểm tra trước hết phải là người lãnh đạo và “người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra”(10). Hồ Chí Minh chỉ rõ, mục đích của việc kiểm tra, kiểm soát quyền lực nói chung, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nói riêng là “để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(11), tuyệt nhiên không phải là hành động “bới bèo ra bọ, quét nhà ra rác” rồi tìm cách hạ uy tín, hạ bệ nhau. Trong quá trình kiểm tra không nên chỉ căn cứ vào các báo cáo, mà phải sâu sát thực tiễn đi đến tận nơi. Thông qua công tác kiểm tra để xem những nghị quyết đó đã thực hành được đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, nhân dân có ra sức tham gia hay không. Trên cơ sở đó vừa phát huy ưu điểm, phát hiện cái mới, cái tốt hơn nhằm điều chỉnh phương thức lãnh đạo sát hợp hơn; đồng thời, ngăn ngừa, khắc phục những biểu hiện quan liêu, xa dân, không sâu sát thực tiễn trong tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Ngoài ra, để kiểm tra, kiểm soát quyền lực không chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách mà quan trọng nhất cần phải dựa vào tai mắt của nhân dân. Trên thực tế, hầu hết các vụ việc tham nhũng đều do nhân dân phát hiện và tố giác. Muốn phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát quyền lực, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; phải công khai mọi hoạt động của Nhà nước; phải hình thành các thiết chế dân chủ để mọi người dân “biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(12). Trên cơ sở kết quả kiểm tra cần phải công khai trừng trị cán bộ, đảng viên đã tha hóa, biến chất, suy thoái để răn đe, cảnh tỉnh và nêu gương “tự chỉnh đốn” trước quần chúng. Đảng không dũng cảm cắt bỏ ung nhọt, sâu bệnh sẽ rất khó để phòng ngừa tham nhũng.

Năm là, tăng cường pháp chế, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc pháp luật, thưởng phạt nghiêm minh trong công tác.

Ngày 26/01/1946, Hồ Chí Minh kí Quốc lệnh quy định những trường hợp thưởng và phạt, trong đó nêu rõ “Trong mọt nước, thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”. Quốc lệnh quy định 10 trường hợp thưởng và 10 trường hợp phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm. Trong đó điều thứ 8 đã quy định trộm cắ của công sẽ bị xử tử. Thực tế cho thấy “Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh…”. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Về hình phạt, Hồ Chí Minh cũng đã nhắc lại lời của V.I. Lênin: “không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng”. Hình phạt đối với những kẻ tham nhũng, tiêu cực không chỉ là kết án, bị tước hết địa vị mà những tội lỗi ấy cần được công khai trong công luận để cho dư luận đánh giá. Hình phạt này nặng không kém những kết án của tòa án.

Ý NGHĨA CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ VẬN DỤNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng không chỉ “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá” của Đảng và dân tộc ta mà còn cung cấp những cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người không chỉ bắt đúng bệnh, đưa ra đúng phác đồ điều trị, mà còn kê các phương thuốc đặc trị chứng bệnh tham nhũng của cán bộ, đảng viên.

Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(13).

 Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo

Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo

Nhận thức và đánh giá tham nhũng hiện vẫn là một “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” tàn phá đất nước từ bên trong, quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII đã có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng : “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(14). Các kì Đại hội qua, Đảng ta vẫn thẳng thắn thừa nhận bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhìn nhận một thực tế là, việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong chừng mực nào đó chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng, nhất là ở địa phương, cơ sở; tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Một số giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả còn thấp, cần tiếp tục cải thiện như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác quản lý cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa cao; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả (như kiểm soát xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu…). Bối cảnh đó cho thấy, những nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng vẫn còn nguyên tính thời sự. Những phương pháp phòng, chống tham nhũng được Người đưa ra để nhận thức và giải quyết vấn đề từ hơn nửa thế kỷ trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng nước ta và sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, việc tiếp tục nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để làm sâu sắc hơn những giá trị trong tư tưởng của Người là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp phòng chống tham nhũng để vận dụng vào công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay vừa góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, vừa cung cấp thêm những luận điểm, luận chứng giúp cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay được thực hiện có chiều sâu hơn.

TS. Phạm Thị Hoa - ThS. Hoàng Liên Hương

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

______________________________________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 544.

(2) (3) (8) (9) (10) (11) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 283, 620, 637, 327, 637, 316

(4) Phạm Văn Đức (Chủ biên): Thực hành dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 62.

(5) (6) (7) Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 362, 221, 80.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 293.

(13) (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, ST Hà Nội 2021 (tập 2), tr.145, 146

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/theo-guong-bac/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phuong-phap-phong-chong-tham-nhung-va-van-dung-vao-cong-cuoc-chong-tham-nhung-o-viet-nam-hien-140609