Tư vấn chọn ngành, nghề: Thầy cô nhập cuộc
Nhiều trường ĐH, CĐ, trung tâm dạy nghề… bằng các hình thức khác nhau, tìm cách tiếp cận trực tiếp với phụ huynh, học sinh và cung cấp thông tin đa dạng.
Tuy nhiên, không phải HS nào cũng có khả năng chọn đúng “điểm rơi” nếu không có sự tư vấn, hỗ trợ từ phía thầy cô.
Buổi chào cờ đặc biệt
Đã thành thông lệ, ngày mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm, HS lớp 12 Trường THPT Lý Sơn (Quảng Ngãi) có buổi chào cờ đặc biệt. 7 giờ sáng, sau nghi lễ chào cờ và hái lộc đầu năm tại sân trường hoặc hội trường, thầy cô giáo toàn trường “nhường” lại sân khấu cho Đoàn Thanh niên tổ chức giao lưu giữa HS khối 12 và những cựu HS đang là SV tại các trường ĐH, CĐ. Các em HS lớp 12 có thể hỏi anh chị khóa trước về bí quyết chọn ngành, trường…
Những băn khoăn như “em thích học công nghệ thông tin (CNTT) nhưng không rành máy tính, em không giỏi ngoại ngữ”, hay “không khéo ăn khéo nói có đi theo nghề hướng dẫn viên du lịch được không”, hay “sửa chữa ô tô nên học ĐH hay trường CĐ là đủ rồi”... đều được các anh chị SV giải đáp tận tình dựa trên những hiểu biết của bản thân. Thậm chí có những HS còn nhờ anh chị đi trước giải hộ bài toán so sánh mức học phí giữa một số trường có cùng ngành đào tạo… Những câu hỏi khó sẽ được các giáo viên trẻ của nhà trường hỗ trợ hoặc định hướng lại nếu thấy thông tin các bạn SV tư vấn không chuẩn.
Thầy Huỳnh Văn Long – Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn chia sẻ: Từ năm học lớp 10, nhà trường bắt đầu triển khai công tác hướng nghiệp cho HS. HS lớp 11 đã biết được một số nghề cơ bản cùng những yêu cầu, đặc thù của nghề. Trên cơ sở đó, HS sẽ hình thành được hứng thú nghề nghiệp và có sự hình dung nhất định về con đường phía trước của mình. Điều này phải được định hình từ năm học lớp 11 vì còn quyết định đến việc chọn các môn học theo tổ hợp môn xét tuyển của HS. Năm lớp 12, việc tư vấn hướng nghiệp sẽ theo hướng chuyên sâu hơn.
Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) cho rằng: Càng nhiều thông tin, HS càng dễ bị nhiễu và khó để có lựa chọn đúng. “Để xác định đúng sở thích của mình, chọn ngành nghề, trường học phù hợp, HS có thể thông qua 3 kênh: Các hoạt động, khuynh hướng hằng ngày của mình để luận giá về sở thích của bản thân. Cũng có thể tham gia các bài test để có một phần nào đó định hướng. Nhưng chúng ta phải xác định rõ là mình muốn cái gì và thích cái gì? Tham khảo ý kiến của người thân nhận xét về mình cũng là cách để xác định. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tự bản thân mỗi HS phải tự trả lời câu hỏi đó... HS phải tự vận động để xác định để không chọn nhầm tương lai”, cô Kim Vân khuyến cáo.
Cần thông tin chính thống
Thầy Nguyễn Gia Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát (Quảng Nam) cho biết: Nhà trường tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ tiếp cận với HS để cung cấp thông tin tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp. HS cũ của trường cũng là một kênh tham khảo của các em HS lớp 12 trong chọn ngành, nghề. Tuy nhiên, hàng năm, trường đều mời đại diện Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Quảng Nam) đến trường để tư vấn hướng nghiệp cho HS. Đây được xem là kênh thông tin tin cậy về chất lượng đào tạo, đầu ra… của các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Trải nghiệm để hướng nghiệp cũng được nhiều trường THPT tổ chức để HS tự khám phá một số ngành nghề trước khi có quyết định cuối cùng. Các trường THPT có thể phối hợp với trường ĐH, CĐ, cơ sở đào tạo nghề tổ chức tour tham quan, trải nghiệm thực tế theo hình thức “một ngày làm sinh viên”.
Trường THPT Lê Thế Hiếu (Cam Lộ - Quảng Trị) ngoài việc đẩy mạnh truyền thông về hướng nghiệp cho cả phụ huynh và HS, còn tổ chức cho HS khối 12 tham quan thực tế tại các trang trại trong vùng để xem hiệu quả cũng như mô hình sản xuất. “Chúng tôi muốn tự các em rút ra bài học: ĐH không phải con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Các em có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình bằng tình yêu lao động, sự cần cù, sáng tạo” - thầy Thái Quốc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các trường THPT trong công tác tư vấn hướng nghiệp, không phải ở khâu tổ chức mà là tài liệu chưa được cập nhật thường xuyên. Thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) trao đổi: Những thông tin liên quan đến thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề…
Đoàn trường tự tìm kiếm để cung cấp cho HS tham khảo chứ chưa có nguồn tài liệu chính thống. Ngay như ở Đà Nẵng, số lượng HS phổ thông theo học ngành Sư phạm tiểu học và mầm non rất ít trong khi nhu cầu của địa phương lại lớn. Thế nhưng, thông tin này tuyên truyền đến HS và phụ huynh không nhiều. Có nhiều ý kiến cho rằng, để cho nội dung hướng nghiệp gắn liền với nhu cầu nhân lực của địa phương, sở GD&ĐT cần cung cấp cho các trường tài liệu có liên quan, ít nhất là đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.
HS hay phân vân mình nên theo học trường nào, nghề gì. Trật tự này nên thay đổi theo thứ tự: nghề - ngành - trường. Trước hết, các em phải xác định mình hợp với nghề gì, nếu đã xác định được sở thích và năng lực của mình rồi thì dễ, nhưng nếu các em còn phân vân có thể dùng các phần mềm trắc nghiệm để xác định. Trên cơ sở xác định được nghề gì phù hợp với bản thân, các em mới chọn ngành học nào để có thể làm được nghề đó rồi mới đến lựa chọn theo học trường nào, bậc học nào phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. - Thầy Huỳnh Văn Long