Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương
Tạo việc làm và thu nhập ổn định là yếu tố quan trọng để giảm nghèo bền vững, cùng với tạo việc làm tại địa phương, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã đẩy mạnh công tác tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn, giúp lao động có việc làm, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Vũ Ngọc Dương, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Hiện nay, huyện có trên 32.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 60% tổng dân số. Nguồn lao động dồi dào, nhưng chủ yếu vẫn là lao động chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Trước thực trạng đó, phòng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kết nối việc làm cho người lao động. Thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để thông tin cho các xã cung cấp cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong tuyên truyền, giới thiệu việc làm. Đồng thời, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho người lao động; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia xuất khẩu lao động.
Công tác liên kết hoạt động đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, huyện Sốp Cộp phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tuyên truyền về chương trình đào tạo nghề, định hướng cho lao động về ngành nghề phù hợp cho hơn 1.000 lượt người trên địa bàn 8 xã. Phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, UBND các xã tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển lao động đi học tập và làm việc tại Tập đoàn cho 300 lao động trên địa bàn 7 xã tham gia. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần CEMA, Công ty cổ phần AMA tổ chức tuyển chọn lao động đi làm việc ở các công ty trong nước; xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Nhật Bản, với hơn 1.200 người tham gia. Qua đó, đã giới thiệu, tuyển dụng được 6 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc và có trên 2.500 người lao động trong huyện đang làm việc tại các khu công nghiệp trong nước.
Ông Vừ A Hạ, bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp, thông tin: Năm 2022, con trai tôi là Vì A Câu tham gia hội nghị tư vấn của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại huyện, được giới thiệu và kết nối đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản. Qua những lần gọi điện thoại hỏi thăm tình hình, con tôi chia sẻ công việc bên đó khá ổn định, làm thợ xây cho 1 công ty xây dựng ở Nhật Bản, với mức thu nhập khá cao so với làm việc ở địa phương. Đặc biệt, trước khi sang Nhật Bản làm việc, được công ty tuyển dụng dạy ngoại ngữ, các quy định pháp luật liên quan và phong tục tập quán tại Nhật Bản, nên việc hòa nhập, thích nghi với công việc khá thuận lợi.
Sau khi được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm, năm 2023, vợ chồng chị Lò Thị Điệp, bản Huổi Cốp, xã Púng Bánh, được nhận vào làm tại Công ty TNHH công nghệ ALTECH VINA, tỉnh Bắc Giang. Có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định đã giúp cuộc sống của gia đình chị ngày càng khá hơn. Chị Điệp thông tin: Công việc của tôi là lắp ráp linh kiện điện tử, không nặng nhọc như làm nông nghiệp, thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca được khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản chi tiêu hằng ngày và tiền thuê nhà, hai vợ chồng tích lũy được một khoản lo cho các con ăn học.
Bên cạnh đó, năm 2023, huyện còn tổ chức 28 lớp đào tạo nghề, tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho gần 1.000 lao động về các lĩnh vực: Sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng rừng, nuôi trồng thủy sản. Lao động học nghề chiếm trên 90% là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, như kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò ở Nậm Lạnh, Mường Lèo; trồng, chăm sóc và bảo quản cây cà phê ở Dồm Cang; trồng, chăm sóc cây ăn quả tại Mường Và... Qua rà soát, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng từ 45% (năm 2015) lên 82% (năm 2023).
Thực tế cho thấy, lĩnh vực dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm có việc làm sau đào tạo cao hơn so với các nghề khác. Anh Tòng Văn Định, bản Tông Hùm, xã Mường Và, cho biết: Trước đây, bà con ở bản sử dụng máy nông nghiệp bị hỏng phải ra ngoài thị trấn Sông Mã mới sửa được, mất nhiều thời gian và chi phí. Sau khi huyện mở lớp sửa chữa máy nông nghiệp, tôi đã đăng ký tham gia. Sau khi học xong, tôi đã mở cửa hàng sửa chữa máy nông nghiệp cho bà con trong xã.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, huyện Sốp Cộp chỉ đạo các xã rà soát, tổng hợp đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm để có định hướng, hỗ trợ người lao động tìm việc làm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp có khả năng thu hút nhiều lao động từ khâu đào tạo, bố trí việc làm, tuyển dụng lao động sau khi đào tạo. Phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương