Tự vấn là một hành trình ám ảnh nhưng hạnh phúc
Tự vấn hiểu đơn giản là tự đặt ra cho mình những câu hỏi về mọi sự, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, trong đó quan trọng nhất là về chính mình (phản tỉnh).
Vũ Đức Trí Thể gây ấn tượng bởi những bài viết thẳng thắn dành cho giới trẻ, trong đó có bài viết “Sinh viên – bạn cần gì” được nhiều bạn trẻ chia sẻ. Chọn giáo dục khai phóng làm sự nghiệp theo đuổi, anh sớm trở thành giảng viên đồng thời là Giám đốc phát triển tại Học viện Quản lý PACE.
Trước đây, anh sáng lập CYA – một dự án giáo dục nhằm góp sức nâng tầm thế hệ trẻ Việt Nam và là tác giả của “Tuổi trẻ tự vấn” – một cuốn cẩm nang để người trẻ tìm thấy chính mình, tự sửa chính mình và cống hiến cho nghề nghiệp.
Buổi trò chuyện ngắn với Vũ Đức Trí Thể sẽ cho độc giả những góc nhìn thú vị về câu chuyện “tự vấn” cũng như hành trình dấn thân để đi tìm hạnh phúc.
Anh đã có quá trình tự vấn hơn 10 năm qua, quá trình này đã thay đổi con người anh thế nào?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Thay đổi nhìn thấy rõ nhất có lẽ là già đi nhiều chăng? Từ năm thứ hai đại học, trong tôi đã xuất hiện những câu hỏi nhân sinh về bản thân, con người, cuộc đời…
Có người cho rằng tự vấn ở tuổi ấy thì hơi sớm, riêng tôi nghĩ rằng tuổi đôi mươi là thời điểm thường hoang mang và trăn trở về cuộc đời nhất. Với tôi, trưởng thành là mục đích và tự vấn là công cụ, hay nói cách khác, cuộc sống cần sự tiến bộ và tự vấn chính là nền tảng, điều kiện cần để trở nên tiến bộ hơn mỗi ngày.
Tự vấn đơn giản là tự đặt ra cho mình những câu hỏi, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, trong đó quan trọng nhất là về chính mình (phản tỉnh). Mục đích của tự vấn là để hình thành cho mình một nhân sinh quan vững vàng. Vậy liệu tự vấn có làm thay đổi nhân sinh quan không? Câu trả lời là có, mọi thứ thay đổi thì nhân sinh quan cũng cần thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân sinh quan hiểu theo nghĩa là gạn đục khơi trong, hướng về những giá trị phổ quát và trường tồn, về chân – thiện – mỹ.
Tự vấn cũng hơi mệt đầu nhưng nhờ nó làm cho cuộc sống của mình trở nên thú vị và đáng sống hơn như cách nói của triết gia Socrates: “Đối với con người, một cuộc đời không biết tra vấn là một cuộc đời không đáng sống”.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tôi bị ám ảnh bởi hai chữ tự vấn. Tôi cho phép mình hoài nghi mọi sự, nhất là bản thân mình. Hoài nghi đôi khi là khẳng định, cũng sẵn sàng phủ định nếu cần. Hoài nghi để nhìn ra bản chất, sự cao đẹp ẩn sau vẻ bề ngoài.
Một cách ngắn gọn, quá trình tự vấn đã giúp tôi sống thật hơn, thật với chính mình và thật với người khác, vì tôi hiểu chính mình và đồng cảm hơn với con người nói chung.
Quá trình tự vấn có giúp anh đạt được con người mà anh muốn trở thành?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Vì luôn cố gắng giữ sự tự vấn, nên tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã đạt được con người mà mình muốn trở thành.
Hành trình này không có một đích đến hữu hình, mà nó như vòng xoắn ốc cứ tiến lên mãi. Quan trọng là mình luôn cố gắng giữ được sự cân bằng giữa “hạnh phúc với con người hiện tại” và “hoài nghi chính con người đó” để ngày một hoàn thiện mình hơn.
Có những người đến gần cuối đời, họ vẫn đau khổ vì không biết mình sống để làm gì, phải chăng vì họ không tự vấn khi còn trẻ?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng từng ít nhiều soi rọi về cuộc đời mình. Tuy nhiên, việc này nếu không hình thành thói quen thì dễ quên, nhất là khi chúng ta luôn bị cuốn vào vòng xoáy của lối sống bản năng hoặc cái nhìn xã hội. Đến cuối đời, một số người mới giật mình nhìn lại và đặt câu hỏi kiểu như "rốt cuộc mình sống để làm gì"?
Theo cách hiểu trên, tự vấn là một quá trình hành xác, đau đớn khi đối diện với nỗi sợ hãi, với điều vô minh của mình. Vậy thì làm sao tự vấn mang lại hạnh phúc?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Người ta nghĩ hạnh phúc là không có sợ hãi, thật ra hạnh phúc là hành trình đối diện với nỗi sợ hãi khi nhận ra tình trạng vô minh của mình.
Đúng là tự vấn đôi lúc khiến mình mệt mỏi, vì tự đặt mình vào trạng thái dễ bị tổn thương, thậm chí phủ định những gì mình từng tin tưởng, yêu quý, cả những thứ nghĩ rằng sẽ gắn bó cả đời.
Hành trình này vất vả nhưng hạnh phúc lớn lao. Thứ hạnh phúc này rất âm thầm nhưng nó toát ra ngoài cả cử chỉ điệu bộ, có khi tự mỉm cười với một khám phá mới, hoặc lắm lúc rơi nước mắt vì sự vô tâm vừa được nhận ra.
Nhiều bạn trẻ nói rằng, mỗi khi hoang mang về cuộc đời, họ sẽ xách ba lô lên và đi, khám phá những vùng đất mới, đổi gió là khi trở về, họ sẽ có năng lượng để làm việc tiếp, không cần dằn vặt tự vấn. Anh nghĩ sao?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Thật ra đó cũng là một cách tự vấn. Tùy sở thích của mỗi người sẽ chọn cho mình một hình thức khác nhau nhưng đều chung mục đích. Khi “xách ba lô lên và đi” cũng là lúc người ta cho mình cơ hội tạm gác lại những thứ bận bịu hàng ngày, hòa mình vào giây phút hiện tại, vào thiên nhiên hay một điều gì đó lớn lao mà chính người đó sẽ hiểu và cảm nhận một cách rõ ràng.
Đó là cách họ thư giãn, nhìn lại cuộc đời, tái tạo năng lượng và rồi có thể sẽ khám phá ra một điều gì đó ở bản thân. Tự vấn không phải lúc nào cũng dằn vặt, căng thẳng, nó thú vị hơn nhiều. Tự vấn giúp mình khám phá, từ đó được giải thoát để trở nên tự do, còn dằn vặt là mình đang bị giam cầm, là một dạng nô lệ.
Các bạn trẻ thường đặt mục tiêu của thành công chính là một chức vụ nhất định hay một con số trong tài khoản ngân hàng. Đối với anh, thành công là gì?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Ai cũng có quyền chọn khái niệm và tiêu chí thành công của mình. Một chức vụ cao, một tài sản kếch xù là những ví dụ của thành công. Còn riêng tôi, tôi được truyền cảm hứng bởi lời dạy của Albert Einstein: “Đừng cố trở thành một người thành công, mà hãy trở thành một người giá trị”.
Người giá trị nghĩa là người sống với những giá trị mình lựa chọn và chính điều này làm cho mình “trở nên có giá trị”. Tôi xem thành công là “hệ quả” thay vì “mục đích” để không còn bận tâm về nó.
Một trong những điều tôi được hấp thụ và luôn cố gắng trau dồi chính mình đó là sống với các giá trị phổ quát và trường tồn, ví dụ như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân bản, tôn trọng…
Tôi thấy mình may mắn khi chọn nhân sinh quan này, nó giúp tôi thoát dần sự mệt mỏi của việc theo đuổi đời sống vật chất, danh phận, và nhất là tình trạng so sánh mình với người khác. Xin đừng hiểu nhầm là tôi xem thường những điều đó. Tôi không xem thường, tôi chỉ nhìn nó đúng với thứ bậc của những điều mình ưu tiên trong cuộc đời.
Học về marketing, nhưng sau lại theo nghề dạy học, chắc anh nhận thấy đây là con đường mà mình nhận được nhiều niềm vui?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Nghề nào cũng có cái vui, cái buồn, cái sướng, cái khổ. Tôi hay nói vui là nghề nào cũng đầy hỉ nộ ái ố, nếu dấn thân đủ sâu, đủ lâu, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tình huống éo le.
Tôi có hai cái vui lớn với nghề dạy học, một là từ góc nhìn của mình và hai là từ góc nhìn của học viên. Từ góc nhìn của mình, tôi thấy dạy học cũng chính là đi học, mỗi khi đứng lớp tôi lại được học một lần nữa. Nghề này đòi hỏi mình phải học, phải đọc, chiêm nghiệm, quan sát, thực hành… Tóm lại là được học trong chính cái nghề của mình, đây là niềm vui thật sự.
Từ góc nhìn của học viên, dạy học là giúp người khác học, đây là quan điểm về “sự dạy” của Học viện Quản lý PACE. Khi đứng lớp, tôi thường nghĩ là mình đang chia sẻ hơn là dạy học viên. Điều quan trọng nhất tôi hướng đến là giúp người học suy nghĩ, kéo họ đắm chìm vào chủ đề mà chúng tôi đang bàn bạc, truy tìm và cùng giúp nhau đi tìm chân lý. Lớp học như thế thật sự rất vui vì không có giới hạn nào cả.
Tôi cảm nhận được sự tham gia của người học vào quá trình thú vị ấy. Tôi luôn cảm ơn học viên về sự tham gia của họ, chính điều đó đã góp phần rất lớn vào hiệu quả của lớp học. Đó là niềm vui lớn lao khi nghĩ về nghề này từ góc độ học viên.
Nhiều thầy cô khó chấp nhận chuyện học viên nói xấu hay chê trách, anh thì sao?
Anh Vũ Đức Trí Thể: Tôi tin rằng mọi góp ý chính đáng đều vì mục đích tốt đẹp, vấn đề là thái độ của mình như thế nào để người khác góp ý một cách cởi mở và vui vẻ. Tôi sợ nhất là người ta không dám hoặc không thèm góp ý cho mình nữa.
Khi giảng dạy mà học viên không hợp tác, hoặc họ tỏ ra chán nản, không tập trung, tôi thường hỏi thăm để biết mình cần làm gì khác hơn để giúp lớp học hiệu quả. Tính hiệu quả của lớp học là điều mà tôi và người học đều quan tâm. Khi tôi làm tốt việc dạy học thì người học nhận được nhiều giá trị hơn. Vì vậy, không có lý do gì mà tôi lại từ chối khi được góp ý hoặc phản hồi để làm tốt hơn công việc của mình.
Xin cảm ơn anh!