Từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến tương lai hợp tác Việt Nam - Pháp
Hình ảnh Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân thăm tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thật sự ấn tượng, truyền tải thông điệp ý nghĩa từ Hà Nội về mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp, trong đó hợp tác văn hóa, giáo dục được nhấn mạnh là một trong những trụ cột quan trọng và bền vững.
Thông điệp từ di tích lịch sử nghìn năm văn hiến
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron, sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng hai vị khách quý của Cộng hòa Pháp tới thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam, vào ngày 26-5 đã để lại những hình ảnh đẹp và dấu ấn sâu sắc. Chuyến thăm mang giá trị biểu tượng cao, không chỉ là một hoạt động văn hóa - ngoại giao ấn tượng mà còn truyền tải những thông điệp ý nghĩa về mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Pháp, trong đó hợp tác văn hóa, giáo dục được nhấn mạnh là một trong những trụ cột quan trọng và bền vững.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân Brigitte Macron thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Việc lựa chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm đến trong chương trình thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mang nhiều ý nghĩa. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam, đã đào tạo được nhiều thế hệ hiền tài từ thời Lý đến thời Lê - những người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học “kết tinh” trong di tích là “tấm gương” phản chiếu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam trong lịch sử nghìn năm văn hiến. Trong số các di tích gắn với Nho học ở Việt Nam, đây là một di tích Nho học tiêu biểu, có giá trị cao về mặt kiến trúc - nghệ thuật và thẩm mỹ. Di tích lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.
Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giới thiệu với Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân về kiến trúc đặc trưng và ý nghĩa lịch sử của Khuê Văn Các - công trình nổi bật trong quần thể di tích, được chọn là biểu tượng chính thức của Thủ đô Hà Nội từ năm 1997. Khuê Văn Các không chỉ thể hiện tinh thần trọng học mà còn là một nét giao thoa giữa thẩm mỹ kiến trúc phương Đông và giá trị tri thức. Không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng trở nên sống động khi các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước Việt Nam - Pháp cùng hai vị Phu nhân cùng thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế - một di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Âm nhạc cung đình triều Nguyễn với những giai điệu uyển chuyển, da diết, đầy chất thiền và tao nhã đã làm say lòng du khách, trong đó có Tổng thống Emmanuel Macron. Việc ông trực tiếp tham gia nghi thức đánh trống Sấm tại sân chính Văn Miếu là một biểu hiện trân trọng văn hóa bản địa và cũng là biểu tượng về sự gắn kết qua âm nhạc - một ngôn ngữ không biên giới.
Thông qua chuyến thăm di tích lịch sử trọng điểm này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gửi đi một thông điệp về vai trò của văn hóa, giáo dục trong quan hệ Việt - Pháp. Việc mời Tổng thống Pháp đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là lời mời khám phá di sản mà còn là lời khẳng định Việt Nam luôn trân trọng những giá trị giáo dục và văn hóa, luôn sẵn sàng đối thoại, hợp tác sâu rộng với các quốc gia có nền văn hóa phát triển, đặc biệt là Pháp, quốc gia có mối quan hệ lịch sử lâu đời và sâu sắc với Việt Nam.
Tổng thống Emmanuel Macron cũng không giấu được sự ngưỡng mộ trước nền văn hóa, giáo dục lâu đời của Việt Nam. Ông bày tỏ cảm nhận sâu sắc trước tinh thần hiếu học, truyền thống đề cao tri thức và lịch sử giáo dục mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám lưu giữ. Đây không chỉ là sự ghi nhận của một nguyên thủ quốc gia mà còn là một minh chứng cho sự đồng điệu về tầm nhìn giáo dục và văn hóa là nền tảng cho phát triển bền vững và hòa bình.
Trụ cột hợp tác văn hóa, giáo dục
Trong suốt chiều dài hợp tác song phương Việt Nam - Pháp, văn hóa là một điểm sáng, đóng vai trò là cầu nối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Với mối liên hệ lịch sử, Việt Nam và Pháp đã cùng nhau xây dựng được một nền tảng văn hóa chung với nhiều hợp tác thiết thực.
Pháp là quốc gia đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo. Trong thời đại chuyển đổi số, các ngành như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, xuất bản và thiết kế ngày càng trở thành nguồn tăng trưởng kinh tế và mềm hóa ảnh hưởng quốc tế. Pháp thể hiện mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam trong các lĩnh vực này thông qua các dự án cụ thể như: hợp tác sản xuất phim, tổ chức các tuần lễ văn hóa Pháp tại Việt Nam, hay dịch thuật văn học Pháp sang tiếng Việt và ngược lại.
Nhiều bộ phim Pháp đã chọn bối cảnh tại Việt Nam như một sự ghi nhận giá trị thẩm mỹ và văn hóa độc đáo của dải đất hình chữ S. Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng mở rộng cửa đón các đoàn làm phim, các nhà sáng tạo văn hóa Pháp đến trải nghiệm và sáng tác. Đây không chỉ là cách để giới thiệu Việt Nam ra thế giới, mà còn là con đường để hội nhập sâu hơn vào dòng chảy sáng tạo toàn cầu. Ngoài ra, các lĩnh vực như bảo tồn di sản, thư viện, mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn cũng là những trụ cột quan trọng trong hợp tác văn hóa Việt - Pháp. Với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn từ Pháp, nhiều dự án bảo tồn di tích ở Huế, Hà Nội và TP.HCM đã đạt được những kết quả tích cực. Nếu văn hóa là một nền tảng của sự thấu hiểu, thì giáo dục có thể là chìa khóa để mở ra tương lai. Trong những năm qua, hợp tác giáo dục Việt Nam - Pháp đã phát triển nhanh, mang lại hiệu quả thiết thực.
Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia nhận học bổng từ Chính phủ Pháp với tổng ngân sách lên tới 2,5 triệu euro mỗi năm. Tính đến cuối năm 2024, có khoảng 7.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. Các chương trình đào tạo song bằng, liên kết đào tạo đại học, sau đại học giữa các trường đại học hàng đầu của Pháp và Việt Nam đã góp phần đào tạo hàng vạn kỹ sư, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, tính đến nay, khoảng 15.000 kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp hoặc trong các chương trình của Pháp tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu 20.000 vào năm 2030. Đây là con số rất ấn tượng, phản ánh cam kết lâu dài và thực chất của hai bên đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố then chốt trong phát triển bền vững. Lĩnh vực y tế cũng là một điểm sáng khi hơn 3.000 bác sĩ và cán bộ y tế Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp trong 30 năm qua. Những thành quả này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực chuyên môn mà còn tạo ra một lực lượng trí thức có khả năng cầu nối giữa hai nền y học.
Trong buổi hội đàm tại Phủ Chủ tịch ngày 26-5, Chủ tịch nước Lương Cường đã đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp tại các trường phổ thông và đại học, mở rộng học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Đồng thời, hai nước cũng đặt mục tiêu hợp tác trong các ngành công nghệ mũi nhọn như năng lượng hạt nhân, đường sắt cao tốc, những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang ưu tiên phát triển.
Đến thăm trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - ngôi trường được thành lập và phát triển theo các Hiệp định giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Pháp, vào ngày 27-5, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, Pháp muốn hợp tác với Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo và sẽ tăng gấp đôi số lượng học sinh, sinh viên trao đổi.
Sự kiện thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng thống Emmanuel Macron và Phu nhân khẳng định văn hóa, giáo dục là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Pháp.