Tự vấn mùa Covid
Tôi biết tin mẹ em qua đời từ tấm hình đại diện trên facebook của em - một đóa sen màu đen. Gọi cho em, nghe đầu dây bên kia nức nở: Mẹ đi lúc năm giờ sáng nhưng em vẫn phải cách ly tập trung chị ơi! Nhà chỉ cách nơi em cách ly vài trăm mét. Những lúc gió mạnh, em có thể nghe được cả tiếng kèn đám tang của mẹ vọng lại. Từ ô cửa sổ buồng cách ly, em nuốt nước mắt và len lỏi ánh nhìn qua tán cây dầu để cố nhìn về phía ngọn đèn cao áp trước cổng nhà.
Tôi sững sờ, xót xa. Mẹ em đã cao tuổi, lại bị ung thư, chuyện cụ ra đi chỉ tính tuần, tính tháng. Nhưng một đứa con hiếu thảo như em mà ngày mẹ rời bỏ dương gian lại không thể bên cạnh mẹ. Sững sờ, xót xa là thế nhưng dịch bệnh hoành hành, em buộc phải chấp hành cách ly. Chỉ 4 ngày trước, tôi nhận tin chồng một người bạn đang sống tại TP. Hồ Chí Minh qua đời. Anh chưa kịp tiêm vắc xin, chỉ đau rát họng và húng hắng ho vài hôm, bệnh trở nặng đưa vào viện được 2 ngày thì mất. Vợ, con anh, người thì đang điều trị, người phải cách ly nên tro cốt của anh vẫn phải lưu trong căn phòng đặc biệt ấy.
Vẫn biết chuyện sinh tử là quy luật nhưng những cái chết trong ngày dịch giã này làm ta thấy buồn thương và mất mát nhiều hơn. Những đám tang lặng lẽ chỉ vài người thân đưa tiễn để tránh lây lan dịch bệnh. Thậm chí có đám không người ruột thịt đưa tang!
Tôi vơ vẩn nghĩ về những cái chết mà mình đã chứng kiến, đã nghe, đọc trên đài, báo. Cuộc sống vô thường, sự vô thường còn lớn hơn nhiều lần trước sự khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Tôi nghĩ tới sự hy sinh của anh trung úy mới 26 tuổi, thuộc Đội an ninh Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An khi đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch do bị xe tải đâm vào đêm 6-8 vừa qua. Và cũng mới đây, anh Vũ Quốc Cường (SN1975), ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, là chủ 2 quán cơm chay xã hội “Cường Béo” chuyên hỗ trợ cơm chay miễn phí cho người nghèo. Anh Cường nhiễm Covid-19 và mất vào ngày 22-8 vừa qua. Đáng nói là trước khi nhập viện, anh vẫn gọi điện thoại động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục chăm lo cho người nghèo thay phần việc của anh.
Điều khủng khiếp nhất của đại dịch Covid-19 không chỉ là chia cách tình thân, cắt đứt sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm và người bị chết vào hoàn cảnh đơn độc. Tôi cũng nghĩ đến cái chết của những kẻ nghiện ngập, tụ tập hút chích và bị sốc thuốc trong ngày dịch bệnh hoành hành. Hay cái chết của các cặp nhân tình trốn chồng, trốn vợ đi dạo thuyền trên biển, trên hồ, bất chấp quy định giãn cách trong những ngày cả nước căng mình chống dịch…
Nghĩ lan man rồi tôi tự nhủ, thời của đại dịch, mỗi người cần học cách đối diện với nỗi khiếp sợ trước cái chết để khích lệ bản thân, giúp ta định hướng cuộc sống hiện tại theo chiều hướng thiện. Những người ở tuyến đầu chống dịch như anh trung úy công an ở Quỳnh lưu (Nghệ An), hay anh Cường Béo hẳn biết rằng, ở nơi hiểm nguy ấy, sinh mạng họ có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Nhưng rồi tiếng gọi của lương tri, trách nhiệm trước cộng đồng đã dẫn họ ra nơi hiểm nguy ấy để đương đầu với đại dịch, để bao người khác, trong đó có người thân yêu của họ có được cuộc sống yên lành.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/126972/tu-van-mua-covid