Tư vấn, phản biện Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang

Ngày 7/8, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học tư vấn, phản biện Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Dự thảo Báo cáo có hai phần chính gồm: Tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến hết nhiệm kỳ.

Các nội dung trong dự thảo nêu rõ những kết quả đạt được sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt tỉnh Bắc Giang đã kịp thời có ứng phó phù hợp và nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, trong tổng số 11 nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Với 28 chỉ tiêu thành phần, có 6 chỉ tiêu thành phần đạt và vượt; 19 chỉ tiêu thành phần đạt mục tiêu theo tiến độ.

Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh; lãnh đạo phát triển KT-XH đạt nhiều kết quả nổi bật, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đứng thứ nhất và nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước.

Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 14%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, đứng đầu cả nước…

TS Phí Vĩnh Tường tư vấn các giải pháp về kinh tế.

TS Phí Vĩnh Tường tư vấn các giải pháp về kinh tế.

Theo đánh giá của các đại biểu, dự thảo báo cáo được thực hiện công phu, chi tiết, là bức tranh toàn cảnh trên các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra một số nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung như cấu trúc báo cáo chưa cân đối, nêu kết quả nhiều nhưng phương hướng, giải pháp còn ít, chưa cụ thể.

Theo GS.TS Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo cáo phải đánh giá nghiêm khắc để chỉ ra được những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hiệu quả trong triển khai thực hiện các Nghị quyết. Đồng thời báo cáo cũng phải truyền cảm hứng, khích lệ khát vọng cống hiến của nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Đối với mục tiêu xây dựng các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá việc thu hút các doanh nghiệp FDI thời gian qua có bảo đảm đầu tư công nghệ cao hay không? Nếu mở rộng khu công nghiệp để đón tất cả các DN FDI, kể cả DN có công nghệ trung bình, thấp thì hiệu quả không cao, đồng thời gây hậu quả về lâu dài.

TS Phí Vĩnh Tường, quyền Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét cơ cấu nguồn thu ngân sách của tỉnh Bắc Giang chưa ổn định, dựa quá lớn vào nguồn thu từ đất đai. Vì vậy trong báo cáo cần đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

TS đưa ra giải pháp là cần phải hỗ trợ phát triển DN địa phương, tạo nguồn thu ổn định. Đồng thời khuyến khích DN đổi mới sáng tạo thông qua liên kết với các trường, học viện, trung tâm khoa học công nghệ. Cùng đó khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là việc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc tạo ra các cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam tham gia.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm tham gia tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm tham gia tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

Tham gia tư vấn, phản biện, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá lợi thế vô cùng to lớn của Bắc Giang về văn hóa.

Tuy nhiên tỉnh Bắc Giang chưa khai thác hiệu quả lợi thế này, các hoạt động du lịch tâm linh, sinh thái, nông nghiệp… mới sơ khai. Trong báo cáo chưa đưa ra các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch văn hóa do chưa đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, cần phải thay đổi cách tiếp cận về văn hóa, văn hóa phải đi trước, không thể đi song hành cùng kinh tế, văn hóa là nội lực, cần có các giải pháp huy động nguồn nội lực này. Các địa phương khác phải tạo dựng văn hóa, còn đối với Bắc Giang chỉ cần khai thác cũng đã tạo ra động lực rất lớn cho phát triển kinh tế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, chỉnh sửa một số mục tiêu, giải pháp đến hết nhiệm kỳ như: Đưa thêm phần đánh giá vai trò lãnh đạo; tăng cường kết nối các DN FDI với DN địa phương; đánh giá hiệu quả của vốn đầu tư; bổ sung hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Các đại biểu cũng băn khoăn việc tỉnh Bắc Giang coi trọng phát triển trở thành trung tâm logistics mà không phải là trung tâm du lịch; hay việc lấy nông nghiệp làm nền tảng trong khi phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp; việc kết hợp phát triển kinh tế - quốc phòng chưa được thể hiện rõ…

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Năng, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu, đây là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

Sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu, tổ soạn thảo sẽ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt.

Tin, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/409616/tu-van-phan-bien-du-thao-bao-cao-so-ket-giua-nhiem-ky-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-bac-giang.html