Tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên
Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho vị thành niên/thanh niên (VTN/TN), giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu 50% VTN/TN được cung cấp kiến thức, thái độ, kỹ năng hành vi DS - KHHGĐ; 50% cán bộ truyền thông tham gia đề án được trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông, giáo dục đối với VTN/TN.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại Trường THPT Nga Sơn.
Cung cấp 25% dịch vụ DS - KHHGĐ thân thiện cho VTN/TN; 50% người cung cấp dịch vụ cho VTN/TN được trang bị kiến thức, kỹ năng cung cấp dịch vụ thân thiện với VTN/TN, đáp ứng 10% dịch vụ KHHGĐ cho VTN/TN, phấn đấu tỷ lệ VTN/TN có thai ngoài ý muốn giảm dưới 10%; 40% cha mẹ có con trong độ tuổi VTN/TN ủng hộ hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ KHHGĐ.
Tại Thanh Hóa, trong năm 2019, đề án được triển khai tại 94 trường THCS, THPT của 15 đơn vị gồm các huyện: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định, Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn. Trong năm 2019 đã tổ chức được 282 cuộc sinh hoạt ngoại khóa tại các trường cho học sinh THCS, THPT với nội dung về: Cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) VTN/TN, tâm sinh lý tuổi VTN, tình bạn khác giới, tình yêu lành mạnh, tình dục an toàn, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai phù hợp lứa tuổi VTN/TN. Buổi sinh hoạt đã giúp trên 20.000 học sinh các trường thụ hưởng đề án được cung cấp kiến thức và các kỹ năng cần thiết về những vấn đề SKSS KHHGĐ tuổi dậy thì, các buổi sinh hoạt này đã trở thành chủ đề bổ ích cho các em có cơ hội tham gia bày tỏ ý kiến của mình về những thắc mắc, băn khoăn khó nói về những điều thầm kín của bản thân với bố mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Qua buổi sinh hoạt các em đã rất mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình và đủ tự tin khi nói về vấn đề khác giới, có tới 65% VTN/TN ở các trường THCS, THPT triển khai đề án có hiểu biết cơ bản về một số vấn đề DS - KHHGĐ như các biện pháp tránh thai và cách chăm sóc SKSS cho bản thân, tránh hậu quả mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn ở tuổi VTN. 53% cấp ủy đảng, chính quyền tại địa bàn thực hiện đề án có văn bản chỉ đạo tạo môi trường xã hội thân thiện, ủng hộ VTN/TN, đặc biệt là các nhà trường. Buổi sinh hoạt đã tạo cho thầy cô có điều kiện giao lưu chia sẻ với học sinh về những vấn đề kỹ năng sống, giúp trò và thầy thân thiện hơn trong các buổi sinh hoạt. 30% cha mẹ có con trong tuổi VTN/TN tại địa bàn triển khai đề án ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ DS-KHHGĐ...
Cũng trong năm qua, Chi cục DS - KHHGĐ đã nhân bản được 15.645 tờ rơi về các nội dung: Những điều bạn cần biết ở tuổi VTN/TN, vấn đề tình bạn, tình yêu tuổi dậy thì. Số lượng tờ rơi được phát cho các em học sinh trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa và trưng bày ở các góc thư viện của nhà trường. Mục đích giúp các em có thêm tài liệu để tự đọc và tìm hiểu về lĩnh vực SKSS, KHHGĐ tuổi mới lớn, tránh tình trạng các em tìm hiểu thông tin về giới tính tràn lan trên các trang mạng xã hội, khó tránh những luồng thông tin sai lệch.
Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh Trường THPT Nga Sơn chia sẻ: Buổi truyền thông cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích về vấn đề tình bạn, tình yêu, SKSS, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý; những kỹ năng sống cần cho sự phát triển về sức khỏe của VTN/TN; mang thai ở tuổi VTN và biện pháp phòng chống; tâm, sinh lý tuổi VTN, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân. Thông qua đó, chúng em được giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng với các báo cáo viên, chuyên gia tâm lý, diễn giả... Từ đó, nâng cao nhận thức đúng đắn về tình bạn, tình yêu để hình thành lối sống lành mạnh, có văn hóa.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh cho biết: Chăm sóc SKSS VTN/TN không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, công tác chăm sóc SKSS tiền hôn nhân mà còn giúp các em có sự chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện. Tại Thanh Hóa, những năm qua, Chi cục DS - KHHGĐ đã tập trung tuyên truyền các nội dung về SKSS, KHHGĐ, tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân tại cộng đồng; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình trẻ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện mô hình sinh hoạt ngoại khóa phổ biến kiến thức chăm sóc SKSS, KHHGĐ, rèn luyện kỹ năng sống tích cực tại các trường THPT, giúp các học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề liên quan đến SKSS, những thay đổi tâm sinh lý trong lứa tuổi học sinh. Việc tuyên truyền, giáo dục diễn ra dưới nhiều hình thức như xây dựng các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc SKSS cho VTN/TN, trang bị góc kiến thức, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân - chăm sóc SKSS cho VTN/TN, truyền thông cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS cho VTN/TN cho cha mẹ học sinh. Việc đưa chương trình giáo dục chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục vào trường học là việc làm cần thiết, nhằm cung cấp những thông tin chính thống và đầy đủ cho các em, tạo sân chơi bổ ích và thiết thực. Ngành y tế và các ban, ngành liên quan tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về giáo dục giới tính nhằm trang bị cho các em đầy đủ kiến thức, kỹ năng, chủ động bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, chuẩn bị hành trang bước vào đời một cách vững chắc.