Tử vong khi đi cắm trại vì bị gấu Bắc Cực tấn công
Sau khi tấn công người, con gấu Bắc Cực bị bắn và được phát hiện đã chết gần hiện trường vụ tai nạn.
Một công dân Hà Lan đã thiệt mạng sau khi bị gấu Bắc Cực tấn công ở một vùng lãnh thổ gần Bắc Cực thuộc Na Uy, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 28-8, chính quyền địa phương cho biết nạn nhân là ông Johan Jacobus Kootte, 38 tuổi. Người này đã đi cắm trại tại thị trấn Longyearbyen - khu vực đông dân cư nhất ở quần đảo Svalbard (Na Uy).
Phó Thống đốc vùng Svalbard Soelvi Elvedahl cho biết trước rạng sáng ngày 28-8, ông Kootte bị một con gấu Bắc Cực tấn công ngay tại lều của người này. Khi được đưa đến một bệnh viên gần đó, ông Kootte đã tử vong.
Theo trang tin Sky News, sáu người khác bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện.
"Những người tại hiện trường đã bắn con gấu và con vật đi dọc theo sân bay gần đó. Không lâu sau đó, con gấu được tìm thấy đã chết trong khu đỗ xe của sân bay", ông Elvehahl nói.
Chính quyền địa phương cho biết gấu Bắc Cực có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong khu vực. Người dân được khuyến cáo giữ khoảng cách với gấu Bắc Cực ở mức "xa nhất có thể để tránh tình huống có thể nguy hiểm cho cả con người và gấu Bắc Cực".
Đây là vụ gấu Bắc Cực tấn công chết người đầu tiên ở Svalbard trong chín năm qua. Trong lần gần nhất, hồi đầu tháng 8-2011, một nhóm du khách Anh bị một con gấu Bắc Cực tấn công. Một thiếu niên 17 tuổi thiệt mạng và bốn người khác bị thương nặng.
Năm 2015, một du khách người Cộng hòa Czech bị thương nhẹ sau khi bị gấu Bắc Cực tấn công tại Longyearbyen. Sau đó, con gấu đã bị giết, theo Sky News.
Quần đảo Svalbard nằm gần như chính giữa Nordkapp (Na Uy) - điểm cực bắc của đất liền châu Âu - và Cực Bắc. Theo thống kê chính thức, khu vực này có dân số 2.939 người và là môi trường sống của 975 con gấu Bắc Cực.
Gấu Bắc Cực là loài động vật được bảo tồn. Người dân địa phương được quyền bắn con vật để tự vệ nhưng chỉ khi không còn lựa chọn nào khác.
Các hoạt động của con người ngày càng được mở rộng ở quần đảo Svalbard. Đồng thời, biến đổi khí hậu khiến các sông băng tan nhanh, thu hẹp môi trường sống của gấu Bắc Cực. Đây có thể là lý do gấu Bắc Cực xuất hiện nhiều hơn ở các khu vực có con người sinh sống và tấn công con người.