Tử vong vì axit uric cao tới 810, nguyên nhân không ai ngờ đến từ nước uống trái cây
Mới đây, một thanh niên tử vong do chỉ số axit uric cao tới 810. Nguyên nhân của sự tăng đột biến này không phải từ bia, rượu mà do uống nước trái cây.
Bổ sung nước trái cây thay nước lọc: Quan điểm sai lầm nguy hại
Được biết, nam thanh niên nói trên 35 tuổi (Trung Quốc) không uống bia, rượi, tuy nhiên lại có thói quen uống nước trái cây hàng ngày thay cho nước lọc.
Ths.Bs Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: Gout là bệnh viêm khớp do rối loạn chuyển hóa thường gặp, liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Bệnh xảy ra khi thận không thể lọc axit uric trong máu để thải ra bên ngoài. Axit uric tích tụ đến nồng độ cao sẽ lắng đọng tạo thành các tinh thể muối urat natri hoặc tinh thể axit uric, nếu tập trung ở các khớp sẽ khiến khớp bị viêm, sưng đau.
Để giúp cơ thể gia tăng khả năng chuyển hóa các protein và từ đó giúp giảm tích tụ nồng độ axit uric trong cơ thể, người bệnh gout cũng được khuyến cáo nên bổ sung hoa quả. Tuy nhiên cần lựa chọn những loại trái cây có chứa ít hoặc hoàn toàn không có những hoạt chất chứa nhân purin.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thông thường, hàm lượng purin trong nước trái cây tương đối thấp, nhưng nó không phù hợp với người có axit uric cao vì có chứa đường fructose, trực tiếp tạo ra axit uric sau khi chuyển hóa và phân hủy trong cơ thể….
Khi sử dụng quá nhiều các thực phẩm, trái cây hay rau củ chứa lượng lớn purin có thể dẫn đến tăng nồng độ acid uric, khi axit uric trong cơ thể dần tăng cao và thận không thể đào thải ra ngoài một cách bình thường thì nồng độ axit uric sẽ tăng lên và được tích trữ ở thận, từ từ lắng đọng thành các tinh thể và tạo sỏi, có thể gây đau quặn thận, đái ra máu, nhiễm trùng đường tiết niệu và tắc nghẽn đường tiết niệu.
Khi axit uric trong cơ thể tiếp tục tăng cao sẽ làm rối loạn chức năng của thận, khiến thận bị tổn thương nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến bệnh thận, nguy cơ suy thận, cuối cùng là nhiễm độc niệu nặng.
Chính vì vậy, khi chọn các loại hoa quả cần quan tâm hàm lượng purine. Nên sử dụng những loại hoa quả có chứa hàm lượng chất flavonoid cao, do nó có thể tăng khả năng giảm viêm và hỗ trợ giảm đau nhức, đặc biệt là ở những bệnh nhân bị những tổn thương nặng do gout.
Những loại rau, quả ưu tiên bổ sung cho người bệnh gout?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, thường xuyên sử dụng những loại hoa quả có chứa lượng lớn chất xơ để giúp cơ thể gia tăng khả năng chuyển hóa các protein và từ đó giúp giảm tích tụ nồng độ axit uric trong cơ thể. Chất xơ có công dụng giúp cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể diễn ra tốt hơn; đồng thời làm chậm quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng.
Những chuyên gia ở Trung tâm y tế Đại học Maryland cũng đã đưa ra hướng dẫn chế độ ăn cho người Mỹ: Nam giới cần sử dụng 25 gram chất xơ mỗi ngày, trong khi đó phụ nữ cần tới 38 gram.
Nên ưu tiên sử dụng các loại hoa quả có thành phần giàu chất chống oxy hóa. Những hoạt chất này có thể giúp giảm nhanh những tổn thương do bệnh gout và ngăn ngừa tình trạng thoái hóa sớm. Nồng độ acid uric trong cơ thể tăng cao cũng có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Không chọn và sử dụng các loại hoa quả chứa nhiều chất oxalat. Vì chất này có thể kết hợp với axit uric trong cơ thể dẫn đến sỏi thận, làm tăng mức độ nghiêm trọng của những người mắc bệnh gout.
Oxalat là chất dễ dàng được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, nhưng mỗi loại chứa hàm lượng khác nhau. Có vài loại chứa rất nhiều oxalat nhưng một số khác lại chứa rất ít.
Những loại quả giàu oxalat chiếm từ 100 - 900 mg trên mỗi khẩu phần ăn, như: Khế, quả vả, mơ khô, kiwi...
Những loại quả chứa oxalat ở mức trung bình từ khoảng 10 - 25 mg trên mỗi khẩu phần ăn, như cam, quýt, xoài, dâu tây, mận, chanh, việt quất...
Loại quả chứa oxalat ở mức thấp từ khoảng 5 - 10 mg trên mỗi khẩu phần ăn, như: táo, mơ, bưởi, dưa, nho đỏ, nho xanh, anh đào, đào, dưa hấu... Tuy nhiên táo, đào, nho, lê… lại chứa nhiều fructose - một loại thực phẩm cũng được khuyến cáo người bệnh gout không nên ăn.
Phần lớn các loại rau củ và trái cây đều tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong đó cũng có những loại rau không tốt cho người mắc bệnh gout. Cụ thể, bệnh nhân nên tránh một số loại rau như rau cải bắp, rau bina, măng tây, nấm… mà nên bổ sung nhiều bí xanh, rau cần tây, dưa leo… Đặc biệt nên uống nhiều nước để tăng cường đào thải acid uric.
Những lưu ý đặc biệt cho thấy nồng độ axit uric của cơ thể tăng cao: Cực kỳ mệt mỏi và khát; toàn thân sưng phù bất thường; đau thắt lưng thường xuyên đồng thời xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn.
Tâm An