Tử vong vì công trình công cộng không an toàn, ai chịu trách nhiệm?
Vừa qua, ngày 7-1 , một vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên cầu Phú Mỹ - nối giữa quận 7 và quận 2, TP HCM, một nam thanh niên đã tử vong oan mạng do bị dải phân cách văng trúng.
Một xe đầu kéo khi lưu thông qua cầu Phú Mỹ (hướng từ quận 7 qua quận 2) thì đột ngột tông vào dải phân cách. Khối bê-tông dải phân cách do xe đầu kéo tông bể thành từng khúc, đã văng trúng một thanh niên đang chạy xe máy khiến người này tử vong.
Như vậy là người thân của một gia đình sau khi ra khỏi nhà đã vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà được nữa. Sự việc này xảy ra ngay thời điểm năm hết tết đến khiến chúng ta cảm thấy xót xa.
Cứ cho là những chuyện xui rủi trong cuộc sống là tất nhiên, không thể không có và không thể nào biết trước được. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ xảy ra những sự cố.
Cụ thể với tai nạn thương tâm vừa xảy ra tại cầu Phú Mỹ, có ý kiến cho rằng cần phải truy trách nhiệm của đơn vị quản lý và thiết kế công trình giao thông này. Cụ thể, chất lượng công trình dải phân cách này thực hiện có đạt chất lượng, có đúng kỹ thuật? Thay vì bê tông, sao không làm bằng vật liệu khác để độ an toàn cao hơn nếu lỡ xảy ra sự cố?
Luận bàn về trách nhiệm, đơn vị quản lý và thiết kế công trình giao thông, cụ thể là dải phân cách gây tai nạn chết người trong vụ việc này có chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu, bị xử lý thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Việc bồi thường cho nạn nhân ra sao?
Đây là những câu hỏi đặt ra từ không ít các vụ tai nạn liên quan đến các công trình giao thông không bảo đảm chất lượng. Đó có thể là dải phân cách, đường xuống cấp nhiều ổ gà, ổ voi, thiết kế đường không hợp lý, đường quá hẹp, đất đá sỏi, lề đường không đủ... Rất nhiều yếu tố gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông bất cứ lúc nào và có thể thuộc về lỗi bất cẩn, thiếu trách nhiệm của đơn vị thi công, cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, nếu người dân bị tai nạn thì... họ tự chịu chứ không ai chịu. Bởi dù người dân có quyền khởi kiện nhưng trên thực tế họ không có chứng cứ để chứng minh và việc đánh giá mức độ thiệt hại, khẳng định nguyên nhân tai nạn xảy ra là do lỗi công trình là rất khó khăn. Cũng vì thế, để nạn nhân nhận được bồi thường thì không dễ, việc xác định và xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan lại càng "chông gai". Cùng lắm thì đơn vị thị công, đơn vị quản lý nhà nước bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính rồi hỗ trợ nạn nhân một phần chi phí.
Để hạn chế những cái chết oan uổng, những tai nạn không đáng có, ngoài việc cơ quan chức năng phải làm hết trách nhiệm trong việc rà soát, kiểm tra các công trình công cộng để kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng, cần có quy định cụ thể về khởi kiện vì lợi ích công cộng như nhiều nước đã làm để bảo vệ quyền lợi của người dân và cũng là để các cơ quan, đơn vị chức năng, đơn vị thi công, chủ đầu tư cẩn trọng, có trách nhiệm hơn trong thi công, giám sát, kiểm tra, bảo dưỡng công trình công cộng.