Từ vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Lạc Sơn: Nỗi ám ảnh khi sống chung với người tâm thần ngoài cộng đồng
Vụ việc Bùi Văn Chin (SN 1968), trú tại xóm Cốc, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) - người có biểu hiện bệnh tâm thần dùng hung khí sát hại 3 người thân vào sáng 1/4 không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn làm nhiều người lo lắng khi sống chung với người tâm thần (NTT) ngoài cộng đồng.
Vụ việc Bùi Văn Chin (SN 1968), trú tại xóm Cốc, xã Quý Hòa (Lạc Sơn) - người có biểu hiện bệnh tâm thần dùng hung khí sát hại 3 người thân vào sáng 1/4 không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn làm nhiều người lo lắng khi sống chung với người tâm thần (NTT) ngoài cộng đồng.

Thiếu tá Bùi Văn Thành, Phó Trưởng Công an xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) đến chia sẻ, động viên gia đình bà Bùi Thị Bẻm có người bị bệnh tâm thần.
Bỗng nhiên trở thành sát nhân máu lạnh
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vụ án xảy ra tại xã Quý Hòa ngày 1/4/2025 là một trong nhiều vụ việc đau lòng do NTT gây ra. Đến nay, nhiều người dân xóm Tưa, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại vụ việc Bùi Văn Mạnh (SN 1982) dùng gậy sát hại rồi kéo thi thể chị dâu ra đường. Theo những người chứng kiến vụ việc, khi đi chăn trâu về thấy chị dâu nằm trên giường, Mạnh đã dùng gậy gỗ vào đánh liên tiếp vào đầu. Theo gia đình, Mạnh là người mắc bệnh tâm thần phân liệt, hoang tưởng trong nhiều năm, mỗi khi lên cơn đều có hành vi gây nguy hiểm cho người khác.
Trước đó, tại xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) cũng đã xảy ra vụ án đau lòng khi ông Bùi Văn Kh (SN 1956) bị chính con trai Bùi Văn Xiền (SN 1989) là NTT dùng dao chém tử vong. Hay trường hợp Bùi Văn Dân (SN 1984), trú tại xóm Xê, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) trong lúc lên cơn đã dùng gậy sát hại mẹ đẻ. Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Dân bị bệnh rối loại nhân cách thực tổn, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Giống như Bùi Văn Dân, Bùi Văn Ịt ở thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) đã dùng hung khí tấn công và sát hại mẹ đẻ trong trạng thái bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do mắc bệnh tâm thần. Quách Công Nhỉa trú tại xóm Má Mư, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) trong lúc lên cơn cũng đã dùng dao sát hại hàng xóm dù trước khi gây án 2 người không có mâu thuẫn, thậm chí Nhỉa còn giúp hàng xóm làm việc nhà. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định thời điểm trước, trong khi phạm tội, Nhỉa bị bệnh rối loạn phân liệt, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi...
"Bình thường họ rất hiền lành, nhưng khi lên cơn NTT không thể làm chủ được hành vi và có thể gây ra những hậu quả khó lường. Thực tế những vụ án đau lòng do NTT gây ra cho chính những người thân thời gian qua đã cho thấy như vậy” - Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ.
Nỗi ám ảnh khi sống chung với người tâm thần
Cùng Thiếu tá Bùi Văn Thành, Phó Trưởng Công an xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) về xóm Vổ, chúng tôi được nghe những câu chuyện rợn người của những người dân phải sống chung với NTT. Theo thông tin từ địa phương, Bùi Văn Phúc là NTT nhiều năm qua. Mỗi khi lên cơn, Phúc thường sử dụng dao, nỏ gây nguy hiểm cho người khác. Đỉnh điểm là trong một lần lên cơn, Phúc đã dùng dao sát hại em vợ. Sau một thời gian được đưa đi chữa trị, Phúc được trả về gia đình chăm sóc. Mặc dù vậy, Phúc không về nhà ở với vợ, con mà tự làm lều bằng cành cây trong góc vườn để ở.
Chị Bùi Thị Nhung, vợ của Bùi Văn Phúc chia sẻ: "Mỗi khi có người đến gần lều đều bị Phúc đuổi và dùng dao chém hoặc dùng nỏ bắn. Trước đây cũng có một số cán bộ xã, xóm đến tặng quà, vận động dỡ lều về nhà ở nhưng cũng bị Phúc dùng nỏ bắn thương tích nên không ai dám đến gần". Bà Bùi Thị Hương, hàng xóm có vườn tiếp giáp với lều của Phúc sợ hãi cho biết: "Từ ngày Phúc làm lều ở khu vực giáp với vườn nhà tôi, chúng tôi không dám ra để trồng hay thu hoạch hoa màu nữa, đành để không. Mỗi khi Phúc lên cơn vô cùng đáng sợ, chúng tôi chỉ biết ở trong nhà và khóa chặt cửa".
Lo sợ con trai tiếp tục gây họa, bà Bùi Thị Bẻn - mẹ Bùi Văn Mạnh ở xóm Tưa 3, xã Ân Nghĩa đã thuê làm dây xích và ổ khóa to để "giữ” Mạnh ở góc vườn. Hơn 10 năm nay, cuộc đời Mạnh gắn liền với dây xích hơn 1m và cột bê tông ghim chặt vào lòng đất. Cũng như vậy, lo sợ mỗi khi bố lên cơn gây hại cho người khác, các con của Bùi Văn Xen ở xóm Dài, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) đành phải làm khung, thậm chí cả xích sắt để giữ bố bị bệnh tâm thần. Theo chia sẻ của gia đình, mỗi khi lên cơn, ông Xen vô cùng hung hãn và hoang dại, ra đường gặp ai cũng vác dao đuổi chém. Khi ở trong khung sắt ông vẫn vùng lên đòi thoát ra. Phòng trường hợp cũi sắt không đủ sức, gia đình đã phải làm thêm xích sắt để giữ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có khoảng trên 3.000 bệnh nhân tâm thần các dạng. Trong đó, khoảng trên 2.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.000 bệnh nhân động kinh, 116 bệnh nhân trầm cảm đang được quản lý và điều trị.
Bác sỹ Vũ Thành Trung, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh cho biết: Tuy bệnh tâm thần không thể chữa khỏi dứt điểm nhưng hiện nay các loại thuốc có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Từ đó, giúp người bệnh có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt như người bình thường nếu duy trì việc sử dụng thuốc đều đặn, thường xuyên, đúng phác đồ điều trị đã được chỉ định. Tuy nhiên, qua thực tế theo dõi, thực hiện công tác điều trị, nhiều trường hợp NTT phát bệnh với tần suất ngày càng dày, mức độ ngày càng nặng do chính người thân không quan tâm, chăm sóc, không duy trì việc đáp ứng thuốc. Trong khi đó, việc đáp ứng thuốc trong điều trị bệnh nhân tâm thần là yêu cầu bắt buộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng trên.