Từ vụ bà Phương Hằng: Cần biết giới hạn khi phát ngôn trên không gian mạng

Công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng không được sử dụng để xúc phạm, xâm hại đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Vụ án lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do bị cáo Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng đồng phạm thực hiện đã tạm khép lại.

HĐXX sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân (nhân viên của bà Hằng) cùng nhận mức án 1 năm 6 tháng tù.

Xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa tội phạm

Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Phương Hằng đã thực hiện phát nhiều buổi livestream trên không gian mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín danh dự của các cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư của nhiều người.

Hành vi của các bị cáo đã vi phạm điểm a, b, Khoản 3 Điều 16; điểm d, Khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng: “Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” và điểm d, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013: “Nghiêm cấm đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.

Cũng theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân nên phải xử lý nghiêm để răn đe và phòng ngừa tội phạm.

 Bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù, xuất phát từ những phát ngôn trên không gian mạng. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạt 3 năm tù, xuất phát từ những phát ngôn trên không gian mạng. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Được quyền tự do ngôn luận nhưng trong khuôn khổ pháp luật

Trao đổi với PLO về các quyền phát ngôn trên không gian mạng, luật sư Lê Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tức là mỗi người đều được quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến, phát ngôn…

Tuy nhiên, Điều 21 Hiến pháp cũng khẳng định rõ mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Những thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Như vậy, pháp luật đã trao cho chúng ta quyền tự do ngôn luận nhưng việc sử dụng quyền này phải nằm trong khuôn khổ, quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể - đơn cử như tự do ngôn luận nhưng vẫn phải đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư... Trường hợp sử dụng quyền này để đi xúc phạm, vu khống xâm hại đến người khác thì chắc chắn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về hậu quả pháp lý có thể xảy ra, theo LS Dũng việc cung cấp thông tin bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân trước tiên có thể sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, người lợi dụng quyền tự do dân chủ để tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ…người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (đối với cá nhân) theo điểm c, khoản 4, Điều 7 Nghị định 144/2021. Hoặc người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (đối với tổ chức) theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).

Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng người có hành vi vi phạm phải đối diện với việc bị kiện để yêu cầu bồi thường về vật chất lẫn tinh thần do mình gây ra.

Đặc biệt, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để cung cấp thông tin bịa đặt, sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân có thể sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự - Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù; Điều 155 - Tội làm nhục người khác, với khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù; hoặc Điều 156 - Tội vu khống, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tu-vu-ba-phuong-hang-can-biet-gioi-han-khi-phat-ngon-tren-khong-gian-mang-post752719.html