TỪ VỤ BẠO HÀNH Ở MÁI ẤM HOA HỒNG: Chăm sóc thật tốt những trẻ kém may mắn

Những cơ sở bảo trợ xã hội sẽ tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh cho các trẻ đến từ Mái ấm Hoa Hồng

Chiều 5-9, Công an quận 12 (TP HCM) cho biết đã phối hợp VKSND quận 12 thực nghiệm hiện trường tại Mái ấm Hoa Hồng.

Tạm giữ, lấy lời khai nhiều người

Mái ấm Hoa Hồng nằm trên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 do bà Giáp Thị Sông Hương làm chủ. Nơi đây được báo chí phát hiện nuôi dưỡng hơn 80 trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi, mô côi, sống lang thang... vượt xa con số được phép là 39. Đặc biệt, các bé có dấu hiệu bị bạo hành.

Căn cứ những tài liệu thu thập được, công an xác định nhiều nhân viên (bảo mẫu) có hành vi hành hạ trẻ em, trong đó có Nguyễn Thị Ngọc Cẩm. Qua làm việc, Cẩm thừa nhận quá trình chăm sóc đã nhiều lần dùng tay đánh để các cháu sợ, không quấy phá. Người này sau đó bị tạm giữ về hành vi "Hành hạ người khác". Ngoài ra, 3 người khác đang được tiếp tục lấy lời khai.

Liên quan sự việc, từ ngày 4-9, 85 trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đã được đưa về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để cách ly khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Theo đó, các bé được đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình; Làng Thiếu niên Thủ Đức.

Các bé từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển đến chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Ảnh: LÊ VĨNH

Các bé từ Mái ấm Hoa Hồng được chuyển đến chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Ảnh: LÊ VĨNH

Hạnh phúc ở nhà mới

Ngày 5-9, đoàn lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM đến thăm các bé. Một số nhà hảo tâm cũng đến thăm, tặng quà.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình có 34 trẻ chuyển về. Ngày đầu tiên ở "ngôi nhà mới" các bé vui mừng đón nhận những món đồ chơi do các cô chú trong đoàn phát. Có những bé thì nằm ngủ ngon trong lòng cô bảo mẫu.

"Tối qua là đêm đầu tiên, còn lạ chỗ nên các cháu có khóc. Đến sáng nay thì đã bắt đầu quen và chịu chơi, ăn uống đầy đủ, buổi trưa thì nằm ngủ rất ngoan" - một cô bảo mẫu kể với phóng viên.

Bé hào hứng đón nhận đồ chơi từ các cô chú trong đoàn. Ảnh: LÊ VĨNH

Bé hào hứng đón nhận đồ chơi từ các cô chú trong đoàn. Ảnh: LÊ VĨNH

Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, cho biết đơn vị tập trung nhân sự để chăm sóc cho các bé. Hiện nay, các cháu cần được ưu tiên ổn định về sức khỏe và tâm lý. Thời gian đầu còn lạ chỗ, lạ người nên chưa quen nhưng ở độ tuổi của các cháu cũng rất nhanh thích nghi, hòa nhập với nơi ở mới.

Phóng viên ghé thăm một phòng nhỏ với 6 trẻ. Lúc đến, các bé nằm ngủ và có bảo mẫu túc trực bên cạnh. Cô bảo mẫu kể các cháu ít nghe lời người lớn, sinh hoạt không theo nề nếp và còn nói tục.

"Có bé có dấu hiệu tự kỷ, liên tục đập đầu vào tường. Có những bé trên người còn mang vết bầm tím... Chúng tôi sẽ chăm sóc và giáo dục lại các bé" - người bảo mẫu nói.

Trong khi đó, Làng Thiếu niên Thủ Đức tiếp nhận 36 trẻ. Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc đơn vị này, cho biết đa số các bé bị sang chấn tâm lý và ảnh hưởng về sức khỏe. Vì thế, Làng Thiếu niên Thủ Đức tập trung tối đa nhân viên nhằm chăm sóc tốt nhất có thể cho các trẻ này...

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, khẳng định 3 cơ sở bảo trợ xã hội sẽ tạo môi trường sống, sinh hoạt, vui chơi an toàn, lành mạnh cho các trẻ. Theo ông Thinh, các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố được đầu tư để bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Với trường hợp tại Mái ấm Hoa Hồng, Sở LĐ-TB-XH hoàn toàn chủ động tiếp nhận và đưa các cháu về đây để chăm sóc.

"Công tác này diễn ra tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, để chăm sóc chu đáo cho các cháu, Sở LĐ-TB-XH cũng cần huy động, bố trí lại nhân sự của đơn vị" - ông Thinh nói.

Nói về kế hoạch thời gian tới, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho hay sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với địa phương để kiểm tra, quản lý, giám sát tất cả cơ sở bảo trợ xã hội đã cấp phép; ngăn chặn cơ sở bảo trợ không phép hoạt động.

Trước mắt, sở sẽ thành lập 3 tổ công tác để tiến hành rà soát lại 63 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đã được cấp phép và 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập. Qua đó, chấn chỉnh tình hình hoạt động của những cơ sở bảo trợ xã hội chưa thực hiện theo quy định ngay trong tháng 9 này.

Lãnh đạo quận 12: Rất lấy làm tiếc

Trong chiều 5-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tại đây, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12, nói lãnh đạo quận lấy làm tiếc khi xảy ra vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng.

Theo bà Chính, thời gian qua, địa phương có nhiều chỉ đạo, tăng cường giám sát, phòng ngừa vấn đề phát sinh trong cơ sở bảo trợ xã hội, đặc biệt là cơ sở chăm sóc trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn.

Các cơ quan chức năng của quận, phường đã nhiều lần kiểm tra. Mới nhất, tháng 7-2024, Ủy ban MTTQ quận 12 đã trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Tuy nhiên, chưa lần nào kiểm tra phát hiện hành vi bạo hành, chăm sóc quá số trẻ so với quy định. "Điều này chứng tỏ chủ cơ sở đã nghiên cứu cách đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước" - bà Chính nhìn nhận.

PHAN ANH - PHẠM DŨNG - LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-vu-bao-hanh-o-mai-am-hoa-hong-cham-soc-that-tot-nhung-tre-kem-may-man-196240905213206396.htm