Từ vụ bắt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Người nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu phần tài sản đã nhận sẽ thoát 'án tử'?

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã bắt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 2 người khác, để điều tra vụ án 'Đưa hối lộ, nhận hối lộ' xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Vì sao hình phạt đối với Tội nhận hối lộ được quy định rất nghiêm khắc với mức án cao nhất là tử hình? Cá nhân nộp lại tiền nhận hối lộ có được giảm hình phạt?

Nhận hối lộ có thể bị tử hình

Về hành vi nhận hối lộ, Điều 354 BLHS 2015 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào được quy định tại Khoản 1, Điều này cho chính bản thân người đó, hoặc cho người, hoặc tổ chức khác để làm, hoặc không làm một việc vì lợi ích, hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 2 người khác đã bị bắt để điều tra về hành vi đưa - nhận hối lộ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 2 người khác đã bị bắt để điều tra về hành vi đưa - nhận hối lộ

Về các dấu hiệu cấu thành Tội nhận hối lộ, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của, hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm, hoặc không làm 1 việc theo yêu cầu, hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Hành vi nhận hối lộ được thực hiện trực tiếp, hoặc qua trung gian. “Sẽ nhận” là trường hợp người có chức vụ chưa nhận tiền của hối lộ, nhưng có căn cứ cho rằng đã có sự thỏa thuận về việc nhận hối lộ sau khi thực hiện xong một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Được coi đã nhận tiền của hối lộ là trường hợp người có chức vụ đã nhận tiền của, mặc dù chỉ mới nhận một phần.

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn.

“Hình phạt của tội nhận hối lộ là từ 2-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình - đây được coi là rất nghiêm khắc, bởi thực tế cho thấy, ngày càng nhiều đối tượng nhận số tiền hối lộ rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, nên cần có hình phạt tương ứng nhằm đảm bảo tính răn đe” - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Có được giảm hình phạt khi nộp lại tiền nhận hối lộ?

Về câu hỏi “nộp lại tiền nhận hối lộ có được giảm hình phạt? Đây có được coi là tình tiết giảm nhẹ trong vụ án nhận hối lộ”, Luật sư Hồng Vân cho rằng, “nộp lại tài sản do phạm tội mà có” không phải là khái niệm pháp lý được quy định trong BLHS 2015. Song “khắc phục hậu quả” lại được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm b khoản 1 điều 51 BLHS 2015).

Theo đó, bị can, bị cáo có thể nộp tiền khắc phục hậu quả, hay tiền do phạm tội mà có tại quá trình điều tra hoặc trước, trong và sau giai đoạn xét xử sơ thẩm, hoặc sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực. Tòa án sẽ căn cứ số tiền đã nộp của bị cáo để coi đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Điều 40 BLHS 2015 cũng nêu rõ, người bị kết án tử hình về Tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án, đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… thì không bị thi hành án tử hình.

Còn theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ sau khi phạm tội.

Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ với trường hợp người phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng và những người thân khác nộp lại, hoặc không phản đối việc họ nộp lại ít nhất 3/4 tài sản mình nhận hối lộ.

Trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng, xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-vu-bat-thu-truong-bo-ngoai-giao-nguoi-nhan-hoi-lo-nop-lai-bao-nhieu-phan-tai-san-da-nhan-se-thoat-an-tu-post501606.antd