Từ vụ bé 8 tuổi bị sốc phản vệ khi ăn mì tôm, nhiều người bất ngờ nhưng chuyên gia lên tiếng 'có khả năng xảy ra'
Vừa qua, thông tin bé 8 tuổi bị sốc phản vệ sau khi ăn mì tôm buổi sáng khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết dị ứng thậm chí sốc phản vệ do ăn mì tôm như trường hợp mới đây cũng có khả năng xảy ra.
Được biết, bệnh nhân là Nguyễn Thùy G. (8 tuổi, trú tại xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng mẩn ngứa, khó thở, đau bụng, nôn, mạch nhanh nhẹ, huyết áp không đo được. Trước đó, bệnh nhân có ăn mì tôm trong bữa sáng (chỉ ăn mì tôm không).
Qua thăm khám, bác sĩ xác định đây là trường hợp phản vệ độ III, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Ngay lập tức, trẻ được kíp trực khoa Nhi cấp cứu phản vệ theo phác đồ. Sau 8 giờ, bệnh nhân hết mẩn ngứa, huyết động ổn định, khó thở nhẹ, có thể ra viện sau 1 - 2 ngày.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Trung Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, mì tôm là món ăn được nhiều người ưa thích nhưng dị ứng thậm chí sốc phản vệ như trường hợp mới đây cũng có khả năng xảy ra. May mắn người nhà đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
BS Ngô Trung Dũng chia sẻ, biểu hiện của dị ứng là nổi mề đay, phát ban, nôn, tiêu chảy, khó thở ngay sau khi ăn hoặc sau một vài giờ. Nặng hơn, có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, lưu ý tối quan trọng để phòng tránh sốc phản vệ cho con đó là nếu con bạn có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất nên tránh vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa sốc phản vệ cho con là tránh cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết cũng như các chất thường gây ra phản ứng dị ứng nặng.
3 nhóm người được khuyến cáo hạn chế tối đa ăn mì tôm
Không thể phủ nhận rằng, mì tôm đem lại một số lợi ích rất đáng kể, số lượng mì tôm được mọi người sử dụng đang ngày càng tăng nhanh do tiện dụng, mùi vị hấp dẫn và giá thành rẻ. Tuy nhiên mì tôm có nhiều thành phần không tốt nếu bạn ăn quá nhiều.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thành phần chủ yếu của mì tôm là carbohydrate, trong khi đó cơ thể con người muốn khỏe mạnh cần có 6 chất là: protein, mỡ, carbohydrate, khoáng chất, vitamin và nước. Nếu thiếu hụt một trong 6 dưỡng chất trên cơ thể rất dễ mệt mỏi, tình trạng kéo dài sẽ dễ sinh trọng bệnh. Đặc biệt, những người dưới đây cần lưu ý để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trẻ nhỏ
Với hương vị đặc trưng, mì tôm được rất nhiều bạn nhỏ ưa thích. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo có nhiều lý do không nên cho trẻ nhỏ ăn mì. Vì ăn mì tôm không sẽ chỉ bổ sung dư thừa phần năng lượng (năng lượng rỗng), khó tiêu hóa.
Ngoài ra, mì tôm có độ oxy hóa cao, chưa kể mì còn chứa nhiều muối, bột ngọt, các gia vị và phụ gia khác,... nếu nạp thường xuyên, chúng sẽ "quá tải" với cơ thể trẻ.
Người mắc bệnh béo phì, tim mạch
Mì ăn liền được chiên bằng dầu, dầu chiên mì là dầu shortering không tốt cho sức khỏe, lượng chất béo bão hòa (khó tan) trong mì khá nhiều, nó làm tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, làm xơ vữa động mạch.
Mì cũng là thực phẩm mất cân bằng về dinh dưỡng, thành phần chủ yếu là tinh bột, sẽ chuyển hóa thành chất béo và năng lượng dư thừa trong cơ thể hoàn toàn không có lợi cho người béo phì, tim mạch.
Người mắc bệnh dạ dày
Lượng gia vị mạnh trong mì khiến người thường xuyên ăn mì vị giác giảm sút. Và nếu mắc thêm bệnh dạ dày, thì mì lại càng có hại, nó tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa.
Mì là thực phẩm rất khó tiêu. Khoảng 2 giờ sau khi ăn, mì vẫn còn ở tình trạng nguyên sợi trong dạ dày. Nó không chỉ cản trở việc chuyển hóa và hấp thụ dinh dưỡng, mà còn giữ những chất độc hại có trong mì tồn tại lâu trong hệ tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mời bạn đọc xem video đang được nhiều người quan tâm!
Nguy cơ lây nhiễm từ các quán ăn vỉa hè, có thể xảy ra