Từ vụ bé sơ sinh bị bỏ rơi tại hố ga 3 ngày: Bỏ con mới đẻ có bị xử lý hình sự?
Như Báo ANTĐ đã thông tin, mới đây một cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tại hố ga cạnh chùa ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được người dân đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, có dòi ở quanh rốn…
Nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi con
Cháu bé được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây lên Bệnh viện Xanh pôn khi đã bị phù nề toàn thân, da tái nhợt, có tình trạng nhiễm trùng, rối loạn đông máu. Rất may sau cấp cứu, bé đã tỉnh, tự thở, không suy hô hấp, thân nhiệt ổn định, đang được tiếp tục theo dõi.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua đã có không ít trẻ bị bỏ rơi ngay khi mới chào đời, trong đó chỉ có một số em may mắn sống sót. Tình trạng này khiến dư luận đau xót, phẫn nộ và đặt câu hỏi: “Phải chăng nguyên nhân chính là do các đối tượng bỏ rơi trẻ sơ sinh chưa bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”?
Về nội dung này, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Luật Trẻ em 2016, cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Pháp luật nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi con của mình. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; Cha mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trường hợp đứa bé sinh ra còn sống nhưng bị mẹ đẻ hoặc những người thân khác trong gia đình vứt bỏ gây tử vong thì các đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 BLHS 2015.
Còn đó bản án lương tâm
Điều 124 BLHS 2015 quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng-2 năm.
Phân tích về tội danh này, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, tội phạm trực tiếp xâm phạm quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình mẫu tử, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Tội giết con mới đẻ thực hiện bằng hành động như bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ…Hành vi nói trên cũng có thể được thực hiện bằng hành động như người mẹ của đứa trẻ không cho con bú, không cho con đang ốm uống thuốc dẫn đến đứa trẻ chết.
Hành vi vứt bỏ con mới đẻ thể hiện sau khi đẻ ra người mẹ đã bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài chợ, bệnh viện, chùa chiền, cống rãnh…Với ttrường hợp này, người mẹ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
Con mới đẻ là trường hợp đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ ra chứ không phải con nuôi và mới sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi trở lại, nếu ngoài 7 ngày tuổi, người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh có mức hình phạt nặng hơn là tội Giết người.
Hậu quả xảy ra đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.
“Việc người mẹ vứt bỏ trẻ ngay khi bé mới chào đời là việc làm vô đạo đức, không thể chấp nhận được. Do đứa trẻ được cứu sống nên việc xử lý hình sự đối với người mẹ không đặt ra. Tuy vậy, bản án lương tâm, sự lên án của dư luận sẽ theo họ suốt cuộc đời” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.