Từ vụ chấp hành viên nhận hối lộ 350 triệu đồng: Quyết định hoãn xuất cảnh bị hủy khi nào?

Liên quan đến vụ một chấp hành viên nhận hối lộ 350 triệu đồng tại bệnh viện, nhiều người đặt câu hỏi, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao và pháp luật quy định thế nào về việc hủy quyết định hoãn xuất cảnh?

Bà Kim Thanh Hạnh - Chấp hành viên của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM được cho là đã nhận số tiền 350 triệu đồng của một đương sự để hủy quyết định hoãn xuất cảnh cho người này…

Theo Công an quận Tân Bình, TP.HCM, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã phối hợp với Công an quận bắt quả tang bà Kim Thanh Hạnh (SN 1979) khi bà này đang nhận hối lộ từ một phụ nữ tên là N.T.B.N tại Bệnh viện Phụ sản MêKông (số 245 Hoàng Văn Thụ, phường 1 quận Tân Bình). Bà N. hiện đang có quyết định hoãn xuất cảnh nên đã đưa tiền hối lộ để nhờ bà Hạnh hủy quyết định hoãn xuất cảnh giúp mình.

Hiện cơ quan tiến hành tố tụng đã khám xét phòng làm việc của chấp hành viên Kim Thanh Hạnh tại trụ sở Cục Thi hành án dân sự để thu thập tài liệu chứng cứ, điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Bệnh viên Phụ sản MêKông - nơi xảy ra vụ việc

Bệnh viên Phụ sản MêKông - nơi xảy ra vụ việc

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu có đủ căn cứ cho rằng chấp hành viên trên đã nhận hối lộ số tiền 350 triệu đồng thì cá nhân này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 354 BLHS 2015.

Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2-dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất.

Nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-15 năm.

Về việc hủy quyết định hoãn xuất cảnh, Luật sư Hồng Vân cho biết, Điều 125 Bộ luật TTHS 2015 quy định về hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn. Theo đó, mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:

Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn khác.

Như vậy, nếu đối tượng đang bị hoãn xuất cảnh không thuộc các trường hợp được hủy quyết định này mà đưa hối lộ để đạt mục đích riêng có thể bị xử lý theo quy định. Cá nhân có chức vụ quyền hạn nhận hối lộ để hủy quyết định hoãn xuất cảnh của người không đủ điều kiện sẽ bị xử lý về Tội nhận hối lộ - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-vu-chap-hanh-vien-nhan-hoi-lo-350-trieu-dong-quyet-dinh-hoan-xuat-canh-bi-huy-khi-nao-post526678.antd