Từ vụ chủ nhà thuốc Mỹ Châu: Sa cạm bẫy 'chạy án', vì sao?
Thời gian qua, những vụ lừa đảo 'chạy án' liên tục xảy ra dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc. Câu hỏi đặt ra, vì sao nhiều người vẫn sa vào cạm bẫy 'chạy án'?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng, trong nhiều trường hợp, thay vì tìm đến luật sư để được hỗ trợ pháp lý hợp pháp, nhiều người lại đặt niềm tin vào các đối tượng tự nhận có khả năng “chạy án”.
Thưa luật sư, trong thời gian gần đây, các vụ việc lừa đảo “chạy án” với số tiền lên đến hàng tỷ đồng đang xảy ra khá phổ biến. Ông có thể chia sẻ quan điểm về thực trạng này và nguyên nhân gia tăng xu hướng?
Luật sư Trương Anh Tú: Tình trạng lừa đảo “chạy án” thật sự là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện nay, có rất nhiều vụ lừa đảo diễn ra với số tiền hàng tỷ đồng. Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân trong các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, để mời chào các “dịch vụ” giảm nhẹ án, tha bổng hoặc tác động đến quy trình xét xử. Những người này thường tự nhận mình có quan hệ rộng rãi, hoặc “đi cửa sau” được với cơ quan tư pháp. Thực trạng này gia tăng không chỉ vì một số người dân còn thiếu hiểu biết pháp luật mà còn do tâm lý lo ngại và muốn tìm con đường nhanh chóng giải quyết vấn đề cho người thân.
Các vụ lừa đảo “chạy án” thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng cho người dân và doanh nghiệp. Theo ông, những rủi ro nào mà người dân có thể phải đối mặt khi tìm đến các đối tượng “chạy án” thay vì tiếp cận các kênh tư vấn pháp lý hợp pháp?
Luật sư Trương Anh Tú: Hậu quả từ việc tìm đến các đối tượng lừa đảo này là “tiền mất, tật mang”. Điển hình là vụ bà Lê Thị Mỹ Châu, chủ một chuỗi nhà thuốc lớn, đã bị lừa tới 9 tỷ đồng vì tin vào lời hứa của một đối tượng rằng có thể “chạy án” cho người thân. Nhưng rốt cuộc, bà không chỉ mất trắng số tiền mà còn gặp nhiều rủi ro pháp lý, vì hành vi đưa tiền để nhờ “chạy án” vốn dĩ là bất hợp pháp. Người dân khi đưa tiền cho những kẻ mạo danh này sẽ không chỉ bị mất tài sản mà còn có nguy cơ bị điều tra trách nhiệm pháp lý vì hành vi đưa hối lộ. Hơn nữa, nếu bị lừa đảo phát giác và xử lý, gia đình họ còn đối diện với tổn thất tinh thần, danh dự, và mất lòng tin vào hệ thống pháp luật.
Luật sư có thể chia sẻ một số nguyên nhân chủ yếu khiến người dân dễ dàng tin tưởng vào những lời hứa hẹn “chạy án” từ các đối tượng mạo danh này không?
Luật sư Trương Anh Tú: Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải nói đến sự thiếu hiểu biết về quy trình pháp lý của một bộ phận người dân. Khi gặp các vấn đề pháp lý, đặc biệt là những vụ án phức tạp, nhiều người cảm thấy lo sợ và muốn tìm cách giảm nhẹ tội bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, họ lại không biết rõ vai trò của luật sư và tin rằng “có quan hệ” sẽ là con đường nhanh chóng và hiệu quả hơn. Các đối tượng lừa đảo thường rất tinh vi, biết đánh vào tâm lý của nạn nhân và tạo niềm tin bằng cách mạo danh các chức danh quyền lực trong cơ quan tư pháp. Một số còn sử dụng những giấy tờ giả, đưa ra “bằng chứng” để lừa người dân, khiến họ tin tưởng và dễ dàng đưa tiền mà không nghĩ đến hậu quả.
Trong trường hợp gặp vấn đề pháp lý, ông có thể nói rõ hơn về lợi ích của việc tìm đến luật sư so với các hình thức “chạy chọt” bất hợp pháp? Luật sư có thể hỗ trợ khách hàng như thế nào trong các tình huống phức tạp?
Luật sư Trương Anh Tú: Tìm đến luật sư là giải pháp hợp pháp và đúng đắn để bảo vệ quyền lợi trong các vụ án. Luật sư là những người am hiểu quy trình pháp lý, có khả năng giúp khách hàng đánh giá tình hình thực tế và tư vấn các bước đi phù hợp. Thay vì lo lắng tìm cách tác động phi pháp vào quy trình xét xử, khách hàng có thể nhờ luật sư tư vấn và xây dựng phương án bào chữa chính đáng, hợp lý và minh bạch. Điều này không chỉ giúp họ tránh khỏi rủi ro bị lừa đảo mà còn đảm bảo an toàn về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, luật sư còn có thể bảo vệ khách hàng khỏi những sai sót trong quá trình tố tụng, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý phức tạp, giúp khách hàng hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tóm lại, trong những tình huống như của bà Châu, nếu tìm đến luật sư ngay từ đầu, gia đình sẽ nhận được tư vấn pháp lý chính đáng mà không phải đối mặt với những rủi ro tài chính và pháp lý nặng nề.
Theo ông, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo “chạy án” và nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, cần thực hiện những giải pháp nào một cách đồng bộ và hiệu quả?
Luật sư Trương Anh Tú: Có nhiều biện pháp, nhưng tôi cho rằng trước hết cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy trình pháp lý và vai trò của luật sư trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Các cơ quan truyền thông và tổ chức pháp lý có thể cùng nhau phổ biến thông tin để nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu rằng các dịch vụ “chạy án” không có cơ sở pháp lý và sẽ chỉ gây thiệt hại cho chính họ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản. Điều này sẽ góp phần răn đe và ngăn ngừa các hành vi lừa đảo tương tự. Cuối cùng, pháp luật cũng cần có những chế tài đủ mạnh đối với cả người đưa và nhận tiền trong các vụ “chạy án”, để người dân hiểu rằng chỉ có con đường hợp pháp mới đảm bảo quyền lợi và an toàn.
Cảm ơn Luật sư Trương Anh Tú về cuộc trao đổi trên!
Mời độc giả xem thêm video Cựu Thiếu tướng CA Hà Nội và chiếc cặp “ma” chứa 450 USD chạy án