Từ vụ cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị truy tố: Thời hạn điều tra tối đa là bao nhiêu ngày?
Liên quan đến vụ việc cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị truy tố về hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, điều được nhiều người quan tâm hiện nay là thời hạn điều tra vụ án hình sự, thời hạn quyết định truy tố được pháp luật hiện hành quy định ra sao?
Phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị can
Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương. 3 ngày sau, Cơ quan CSĐT đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố các bị can liên quan đến sai phạm quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP. HCM).
Đối với bà Hồ Thị Kim Thoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương - người vừa bị khởi tố bị can đã bỏ trốn mà thời hạn điều tra vụ án đã hết nên CQĐT đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can với bà Thoa.
Liên quan đến vụ việc trên, về thời hạn điều tra vụ án hình sự, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 172 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định thời hạn điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng; Không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng và có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng;
Thời hạn điều tra không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra, tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 4 tháng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện KSND tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 4 tháng. Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện KSND có quyền gia hạn thêm một lần không quá 4 tháng. Hết thời hạn điều tra cơ qua điều tra phải kết thúc điều bằng bản kết luận điều tra.
Pháp luật hiện hành không quy định thời hạn điều tra tối thiểu, nên cơ quan điều tra vẫn có quyền ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố trước thời hạn khi đã có đủ căn cứ để kết thúc điều tra. Song việc kết thúc điều tra trước thời hạn cần đảm bảo quyền lợi của bị can - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh
Thời hạn ra quyết định truy tố là bao nhiêu ngày?
Về thời hạn quyết định truy tố, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Khoản 1 Điều 240 BLTTHS 2015 nêu rõ, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng VKS phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng VKS có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra trong thời hạn trên, VKS phải ban hành quyết định truy tố bị can bằng bản cáo trạng; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ bị can.