Từ vụ Đại học Đông Đô, đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát cán bộ 'man trá bằng cấp'
'Những người man trá bằng cấp rất dễ lừa dối dân, lừa dối Đảng, rất nguy hiểm, cần xử lý nghiêm khắc', đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.
Ngày 26/11, trao đổi với phóng viên liên quan đến vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị: Trước tiên cần rà soát lại thật kỹ các sai phạm, xử lý nghiêm từng đối tượng, kể cả người cung cấp cũng như người tiêu thụ bằng giả và những người có liên quan.
Đặc biệt, theo ông Lê Thanh Vân, phải công khai danh sách những trường hợp mua bán bằng cấp, trong đó có 55 trường hợp đã sử dụng bằng giả làm tiến sĩ, để điều tra, xác minh làm rõ thủ phạm.
Thứ nữa, phải rà soát ngay vấn đề bằng cấp trong toàn hệ thống.
Theo ông Vân, nhân dân phát hiện ra những sai phạm của cá nhân, góp ý cho Đảng thanh lọc đội ngũ nhân sự thực sự chất lượng. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân phải có căn cứ, chứ không phải tùy tiện đánh giá dựa theo dư luận.
Đại biểu cho rằng, gian dối bằng cấp đồng thời vi phạm cả quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước. Như vậy phải xử lý không chỉ theo pháp luật mà còn phải xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.
“Cần phải rà soát kỹ lưỡng bởi những người man trá bằng cấp rất dễ lừa dối dân, lừa dối Đảng, rất nguy hiểm, cần xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, cần xử lý thật nghiêm các tổ chức, cá nhân nào đã tiếp tay, bao che và hợp thức hóa cho quá trình đó”, ông Vân nhấn mạnh.
Trước đó, theo kết luận của cơ quan điều tra, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh (văn bằng 2) của Trường Đại học Đông Đô làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ, trong số này có cả công chức, thanh tra.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng như điện thoại, máy tính và tiền…của các bị can. Trong đó có 2 thẻ ngân hàng, gần 500 triệu đồng và 55 nghìn USD của đối tượng chủ mưu đang bỏ trốn là Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch HĐQT trường này.
Về phần mình, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, cho đến chiều 25/11, Bộ này chưa nhận được kết luận của cơ quan điều tra.
Liên hệ tới vụ việc tại Đại học Tôn Đức Thắng, theo đại biểu Lê Thanh Vân, cần đặt vụ việc của trường này trong bối cảnh họ đang thí điểm tự chủ đại học. Đã là thí điểm, thì trường phải được làm những cái không có trong quy định hiện hành. Do vậy, vấn đề cốt lõi phải xét đến mục tiêu, hoạt động của nhà trường và cá nhân hiệu trưởng, xem họ hướng tới mục đích chung hay vì cái riêng? Họ có tham nhũng, có cố ý làm trái pháp luật, có lợi dụng cơ chế tự chủ, biến mục đích, lợi ích chung thành tư túi cá nhân hay không, có động cơ tham nhũng và có bằng chứng về việc đó hay không?
Còn nếu như họ không có động cơ đó, mà họ làm không đúng với quy định hiện hành, nhưng đạt được mục tiêu tự chủ là thúc đẩy chất lượng giáo dục, xây dựng mô hình chuẩn mực, xây dựng thương hiệu tốt, thì phải được biểu dương. “Công tội phải phân minh, tôi hoàn toàn tán thành với việc xử lý nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, tuy nhiên, phải có căn cứ thuyết phục và xem xét trong hoàn cảnh cụ thể, đó là trường Đại học Tôn Đức Thắng đang thực hiện thí điểm”, ông Vân cho hay.