Từ vụ 'em gái nhân tạo' vay 500 triệu đồng: Nhận diện kẻ lừa đảo thế nào?
Theo luật sư, người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như 'việc nhẹ, lương cao' 'món hời dễ dàng' hoặc là tình huống nguy cấp của người thân...
Trung tá Lê Anh Tuấn - Trưởng Công an phường Kim Giang (đang đứng) trong cuộc trao đổi thông tin với báo chí.
Được cảnh báo vẫn chuyển 500 triệu
Ngày 28/6, thông tin từ Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an quận Thanh Xuân và một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn ngăn chặn vụ lừa đảo 500 triệu đồng.
Theo điều tra, khoảng 22h ngày 21/5, bà N.T.T. (67 tuổi, trú phường Kim Giang) nhận 1 cuộc gọi video từ tài khoản mạng xã hội Facebook của em gái - hiện đang sinh sống tại Công hòa liên bang Đức. Khi nhận cuộc gọi, bà T. thấy có khuôn mặt và giọng nói của em gái. Tuy nhiên, chỉ nói được vài câu thì “em gái” trên video nói do đường truyền internet kém, phải ngắt cuộc gọi để nhắn tin.
Sau đó, các tin nhắn từ tài khoản Facebook của em gái bà T. đề nghị người phụ nữ 67 tuổi chuyển khoản cho 500 triệu đồng để trả nợ tiền vay chữa bệnh cho con. Tài khoản ngân hàng được “em gái” cung cấp là một tài khoản ngân hàng Việt Nam dưới tên của 1 người đàn ông.
Tiếp đó, bà T. tới chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phường Kim Giang làm thủ tục rút tiền trong sổ tiết kiệm và thực hiện giao dịch chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng nói trên.
Lúc này, nhận thấy có điều đáng ngờ, nhân viên ngân hàng đã cảnh báo bà T. về việc khả năng bà bị lừa, thế nhưng với tâm trạng lo lắng cho em gái, bà T. vẫn làm thủ tục chuyển tiền.
Tuy nhiên, khi chuyển tiền xong, bà T. liên hệ với số điện thoại do “em gái” cung cấp thì nhận tín hiệu thuê bao. Nhận thấy mình có khả năng bị lừa, bà T. lập tức ra trụ sử Công an phường Kim Giang trình báo.
Nhận tin báo, Công an phường Kim Giang đã báo cáo với lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân, đồng thời phối hợp với ngân hàng phong tỏa ngay số tiền bà T. vừa chuyển đi.
May mắn, số tiền này vẫn trong hệ thống giao dịch của ngân hàng nhưng đã được chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau. Cơ quan công an và ngân hàng đã thành công phong tỏa số tiền trên. Quá trình điều tra, cơ quan công an cũng xác định các đối tượng đã dùng thủ thuật chiếm đoạt (hack) tài khoản Facebook của em gái bà T. Em gái của bà T. không hề thực hiện cuộc gọi video hay đề nghị chị gái gửi cho số tiền 500 triệu đồng như trên.
Trong vụ việc nói trên, cán bộ điều tra nhận định, các đối tượng lừa bà T. đã sử dụng phần mềm giả dạng gương mặt em gái bà T. để tạo niềm tin cho bà T, từ đó lừa bà T chuyển tiền. Tiêu biểu trong các phần mềm giả dạng này là “Deepfake” - công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra sản phẩm âm thanh, hình ảnh làm giả người ngoài đời thực…
Nhận diện kẻ dùng trí tuệ nhân tạo giả người thật
Từ vụ việc trên, Trung tá Lê Anh Tuấn - Trưởng Công an phường Kim Giang khuyến cáo người dân cần cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng viễn thông và mạng internet. Đây là nhóm đối tượng rất tinh vi và có trình độ cao về công nghệ.
Một số thủ đoạn của nhóm đối tượng này có thể kể đến như sau:
Gọi điện thoại đến nhà riêng hoặc số di động của bị hại, tự xưng là cán bộ trong cơ quan tư pháp, nói bị hại có nợ tiền cước viễn thông nên bị khởi kiện hoặc có liên quan đến các vụ án đang giải quyết… Các đối tượng có thể giửi ảnh giấy tờ giả như Quyết định khởi tố vụ án, Giấy mời, Lệnh bắt bị hại khiến họ lo sợ. Mục đích để bị hại chuyển số tiền lớn để điều tra.
Các đối tượng dùng thủ thuật chiếm đoạt tài khoản Facebook của bị hại, sau đó liên hệ với người quen để nhờ giúp đỡ như vay tiền, mua thẻ điện thoại hoặc thanh toán hàng hóa hộ.
Các đối tượng mở trang web, tài khoản mạng xã hội để nhận bán hàng online, đặt hàng hộ, yêu cầu bị hại thanh toán tiền trước để chiếm đoạt tiền.
Lập các trang web, phần mềm trên điện thoại để bị hại đăng ký tài khoản, làm nhiệm vụ lấy hoa hồng.
Cho vay tiền qua các trang web, phần mềm điện thoại với thủ tục đơn giản, không cần xác minh nên nhiều người vay tiền. Sau khi vay mới biết bị tính lãi cao, bị uy hiếp tinh thần để đòi nợ người vay tiền và người thân của họ…
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật.
Trao đổi thêm với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền, xây dựng trang web… để cảnh báo người dân về các chiêu trò lừa đảo.
“Biện pháp phòng tránh tốt nhất để không mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo là người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như “việc nhẹ, lương cao” “món hời dễ dàng” hoặc là tình huống nguy cấp của người thân...
Khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần hết sức bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin, và khi có bất cứ một nghi ngờ nhỏ nào thì hãy thông tin cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn, tuyệt đối không nóng vội thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng”, luật sư Bình nói.
Về vụ án bà T bị lừa 500 triệu đồng, luật sư Bình đánh giá, nghi phạm gây án đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Với tội danh này, người phạm tội sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ hậu quả mà hành vi lừa đảo gây ra.
“Với số tiền bà T. bị lừa chuyển đi là 500 triệu đồng, đối tượng có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Bình cho hay.