Từ vụ giáo viên đột nhập nhà học sinh, cần làm gì để bảo vệ trẻ?

Vụ việc giáo viên ăn cắp ở nhà phụ huynh khi đang làm việc tại trường V. thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đặt ra vấn đề hết sức quan trọng: Làm gì để ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng trẻ nhỏ?

LTS: Những ngày gần đây một số phương tiện truyền thông đã đăng tải thông tin một giáo viên ăn cắp có tên V.M.Tr khi đang làm việc tại trường V. thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội). Người này có hành vi đột nhập trái phép vào nhà học sinh, bị bắt quả tang và báo với nhà trường. Liên quan tới vụ việc giáo viên ăn cắp, sau khi có thông tin cô Tr. bị phát hiện, nhiều phụ huynh phản ánh con của họ khi học lớp 2A8 đã bị cô Tr. hỏi mã khóa cửa, bị đột nhập vào nhà rồi dập cầu giao điện để thực hiện hành vi trộm cắp, đề nghị nhà trường có trách nhiệm giải quyết, mặc dù cô Tr. đã bị sa thải. Dù vậy, đây mới là những thông tin từ phía phụ huynh, vụ việc còn chờ phía cơ quan chức năng xác minh và kết luận.

Song từ vụ việc nêu trên, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo vệ trẻ trước những kẻ xấu có thể khai thác thông tin riêng tư về người thân? Trân trọng gửi tới Quý độc giả bài viết của Ths. tâm lý học Nguyễn Hương Giang.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc bảo vệ thông tin riêng tư trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những hành vi xâm hại, đặc biệt là xâm hại thông tin cá nhân. Những người có động cơ khai thác thông tin riêng tư của trẻ em có thể là bất kỳ ai, từ người lạ trên mạng xã hội, người quen trong cuộc sống hàng ngày. Họ có thể nhằm mục đích đột nhập nhà riêng trộm cắp, hoặc cũng có thể khai thác thông tin cá nhân những người thân của trẻ (ông, bà, bố mẹ, anh chị em...) nhằm thực hiện các hành vi xấu.

Trẻ em thường không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn từ việc cung cấp thông tin cá nhân riêng tư cho những người có ý đồ xấu. Do đó, cha mẹ và nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhỏ nắm được những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi những người có động cơ khai thác thông tin riêng tư.

Nguyên nhân bị giáo viên ăn cắp lợi dụng

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trước những hành vi khai thác thông tin riêng tư nhằm mục đích xấu do những nguyên nhân sau:

Sự ngây thơ: Trẻ em thường tin tưởng người lớn. Trẻ dễ bị thuyết phục, dụ dỗ, khiến trẻ dễ làm theo những yêu cầu của họ, kể cả việc cung cấp thông tin cá nhân.
Thiếu kỹ năng tự bảo vệ: Trẻ em chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân. Trẻ chưa biết cách nhận diện những người có ý đồ xấu, chưa biết cách xử lý khi bị người lạ tiếp cận, dụ dỗ.

Thông tin cá nhân của trẻ em có thể được sử dụng cho nhiều mục đích xấu, chẳng hạn như:

Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản: Thông tin mà trẻ em cung cấp có thể được sử dụng để đột nhập vào các tài khoản cá nhân, làm giả danh tính bằng công nghệ AI,… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Lạm dụng tình dục: Thông tin cá nhân của trẻ em có thể được sử dụng để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em tham gia các hoạt động tình dục trái phép.
Bắt cóc, buôn bán trẻ em: Thông tin cá nhân của trẻ em có thể được sử dụng để bắt cóc, buôn bán trẻ em.
Cưỡng ép lao động, bóc lột sức lao động: Thông tin cá nhân của trẻ em có thể được sử dụng để cưỡng ép lao động, bóc lột sức lao động của trẻ em.
Mục đích xấu khác: Như đột nhập vào nhà bằng mã bảo mật hoặc chìa khóa phụ của gia đình nhằm đánh cắp tài sản, gọi điện thoại giả vờ làm nhân viên y tế/ giáo viên báo tin cho gia đình lừa tiền,…

Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc giáo viên ăn cắp, đột nhập trái phép vào nhà học sinh khi còn làm việc tại trường V. thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc giáo viên ăn cắp, đột nhập trái phép vào nhà học sinh khi còn làm việc tại trường V. thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Giải pháp bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trước các rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân

Đây là vấn đề vô cùng cấp thiết, muốn đạt hiệu quả cao phải có sự chung tay của toàn thể cộng đồng và sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp như:

Về phía gia đình, cha mẹ cần cung cấp cho con những kiến thức về bảo vệ thông tin riêng tư từ khi còn nhỏ. Trẻ em cần biết rằng không nên cung cấp thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại hoặc thông tin gia đình cho những người mà họ không biết hoặc không tin tưởng. Cha mẹ nên giải thích cho con lý do tại sao việc bảo vệ thông tin riêng tư là quan trọng, và cách để nhận biết những người có động cơ xấu.

Về phía nhà trường, cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để tuyên truyền và giúp trẻ nhỏ nắm được những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ thông tin riêng tư. Các buổi hội thảo hoặc lớp học về an toàn thông tin và bảo vệ thông tin riêng tư có thể được tổ chức để giáo dục trẻ nhỏ về những nguy cơ và biện pháp bảo vệ. Nhà trường cũng cần tạo ra môi trường an toàn, nơi mà trẻ em có thể tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ khi gặp phải vấn đề liên quan đến việc khai thác thông tin riêng tư. Đồng thời, nhà trường cũng cần xây dựng các quy định, biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, chẳng hạn như:

Không yêu cầu học sinh cung cấp thông tin cá nhân không cần thiết.
Không chia sẻ thông tin cá nhân của học sinh trên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông khác.

Về phía xã hội, các cơ quan chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân của trẻ em. Xây dựng các ứng dụng, công cụ hỗ trợ trẻ em bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng.

Việc chia sẻ thông tin cá nhân phải luôn được thực hiện cẩn thận, an toàn và chỉ khi cần thiết. Thông tin được chia sẻ có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu lên kế hoạch trộm cắp tài sản, thậm chí đe dọa tới tính mạng con người. Thông tin cá nhân được chia sẻ trực tuyến có thể dẫn đến đánh cắp danh tính hoặc mất dữ liệu. Vì vậy, trang bị cho trẻ những kỹ năng và kiến thức cần thiết để trẻ luôn cảm thấy tự tin và an toàn là việc cần thực hiện nhanh chóng với sự chung tay của toàn xã hội!

Điều 158 Bộ Luật Hình sự, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Hành vi xâm nhập chỗ ở của người khác trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với trường hợp phạm tội 02 lần trở lên, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tù từ 01-05 năm.

Ths. Nguyễn Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tu-vu-giao-vien-dot-nhap-nha-rieng-lam-gi-de-bao-ve-tre-truoc-nhung-ke-co-y-do-xau-d3692.html