Từ Vũ Hán về, bị người quen tung tin nhiễm corona để bán hàng online
Nhiều du học sinh trở về Việt Nam từ Vũ Hán bị người xung quanh tỏ thái độ xa cách, dè chừng thậm chí bịa đặt về tình hình sức khỏe liên quan đến virus corona.
Về Việt Nam để đón Tết Nguyên đán từ 15/1, N.P. (19 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Vũ Hán) không khỏi bất ngờ trước phản ứng của nhiều người xung quanh.
Không phải sự chào đón nồng nhiệt đứa con xa quê lâu ngày mà là những ánh nhìn dè chừng, trêu chọc thiếu thiện cảm về tình hình sức khỏe của cô.
Vào thời điểm đó, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các thông tin về dịch viêm phổi cấp corona. Nơi bùng phát chính là thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Vì vậy, người lao động, nghiên cứu sinh hay du học sinh lâu ngày như N.P. trở về từ thành phố này được cho là có khả năng mang mầm bệnh cao.
“Các bạn chơi thân khi biết tin thì vẫn rủ mình đi chơi, bảo mình may mắn khi về kịp trước khi thành phố phong tỏa. Nhưng các bạn trong lớp cấp 3 cũ thì nói những câu bảo cách ly mình này nọ, không biết là đùa hay thật nhưng hễ có bài đăng liên quan đến nCoV thì họ lại chia sẻ vào nhóm lớp và tag mình vào. Không chỉ một, hai lần mình nhận được những trò đùa như vậy”, nữ sinh nói với Zing.vn.
Khi ở Vũ Hán, tình trạng dịch được thông báo từ cuối tháng 12 nên N.P luôn chủ động ở trong phòng, hạn chế ra ngoài để đợi ngày về Việt Nam. Khi về nước, cô cũng chủ động cách ly đủ 14 ngày và không thấy biểu hiện ho, sốt hay các triệu chứng bệnh.
“Mình thực sự buồn khi nhận được thái độ như vậy từ chính những người thân quen. Nhiều lúc mình ước giá như Vũ Hán không bị phong tỏa để mình quay trở lại đó ngay lập tức thôi. Mình còn biết một chị từ Trung Quốc về thấy ho, sốt nên đi khám, người ta cho cách ly đợi kết quả. Mấy ngày ở bệnh viện ngày nào cũng có hàng chục cuộc gọi đến mắng chửi”, cô nói.
Không riêng N.P., nhiều người Việt trở về từ Vũ Hán gần đây cũng phải đối diện sự phản ứng thái quá hay thậm chí bịa đặt về tình hình sức khỏe liên quan tới virus corona.
"Sao không ở lại Vũ Hán luôn đi?"
Là sinh viên một trường đại học tại Vũ Hán, Quốc Huy (26 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cũng phải đối diện nhiều tình huống không hay khi trở về Việt Nam từ ngày 10/1.
“Lúc mình về thì bên Trung Quốc đã xảy ra dịch được một thời gian rồi. Khi về mọi người ở Việt Nam vẫn bình thường thôi, kiểu mọi người còn nghĩ là dịch ở nước khác không ảnh hưởng gì đến mình.
Tuy nhiên khi có ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam, mọi người lại có ánh nhìn khác, giống như họ nghĩ rằng những người như mình là mầm bệnh, là tội đồ ấy”, Bình kể.
Thậm chí, có người còn bảo Huy: “Sao mày không đi cách ly đi” hay "Sao không ở lại Vũ Hán luôn", dù trước đó anh đã tự cách ly tại nhà đủ số ngày quy định và không có dấu hiệu của bệnh.
Lần khác, Huy đi tập thể dục, không mang theo điện thoại, về đến nhà thấy khóa cửa nên sang hàng xóm mượn điện thoại gọi cho bố mẹ. Đáp lại Huy là những câu nói "nửa đùa nửa thật" ý không muốn Huy đến gần.
“Bạn của mình cũng ở Vũ Hán về kể bác bạn ấy còn không dám đến gần bạn vì sợ mang bệnh, dù bạn ấy cũng tự cách ly rồi và hoàn toàn bình thường”, 9X nói.
Tưởng rằng những ngày về nghỉ bên gia đình sẽ đầy ắp niềm vui, Huy cay đắng: “Giờ ra ngoài bảo ở Vũ Hán về thì có ai chơi cùng nữa đâu”.
Về phía gia đình, mọi người đều nắm khá rõ các thông tin nên luôn động viên, khích lệ tinh thần Huy. Dù buồn vì bị nhiều người dành lời lẽ không hay, anh cho biết bản thân cũng thông cảm vì thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam cũng bị một số đối tượng xấu xuyên tạc trên mạng xã hội, khiến nhiều người hoảng loạn.
“Quá thời gian tự cách ly an toàn rồi nhưng mình hiện vẫn hạn chế ra ngoài vì sợ. Ví dụ những người khác bị bệnh thì không sao, nhưng những người như mình mà bị bệnh thì mang danh tội đồ, mang bệnh từ nước ngoài về”, Huy chia sẻ.
Khi được hỏi hiện có mong muốn điều gì nhất, chàng trai quê Vĩnh Phúc bày tỏ: “Mình mong sớm hết dịch để qua học tiếp và đỡ phải chịu sự xa cách của mọi người, chứ ở nhà mãi không khéo sinh bệnh thật”.
Dịch rồi sẽ qua, nhưng tổn thương gây ra sẽ là thật
Theo chuyên gia tâm lý Phan Tường Yên (cố vấn dự án và quản lý đào tạo tại Tổ hợp tâm lý Saigon Psychub), có nhiều lý do dẫn đến các hành vi phân biệt, mà một trong đó là sự thận trọng, cảnh giác mang tính bản năng.
Việc nhóm dân cư từ Trung Quốc (đặc biệt là Vũ Hán) trở về Việt Nam nhận được sự đối xử khác với thông thường là điều có thể nhìn thấy trước được.
"Còn một yếu tố quan trọng khác đóng một vai trò không hề nhỏ dẫn tới việc tăng tiến mức độ nghiêm trọng của các hành vi trêu đùa, phân biệt, thậm chí là bài xích, xa lánh: sự bùng nổ của tin tức giả cũng như việc thiếu thông tin 'nóng' trong đợt dịch này", bà Yên nhận định.
Với sự tràn lan của các tin tức kích động, tin giả gây ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc virus, tốc độ lây lan của dịch bệnh, tiến trình điều trị và các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm cùng với sự lo lắng trước mối nguy sức khỏe, cộng đồng sẽ khó tránh khỏi các hành vi (vô tình hay cố ý) gây tổn thương lẫn nhau.
Theo bà Yên, thay vì phản ứng thái quá, ám chỉ vô tình hay cố ý rằng họ đang mang bệnh khiến tình trạng tồi tệ hơn, mọi người cần hiểu rằng những người trở về là đến từ vùng bệnh, không phải căn bệnh.
"Tuân thủ các phương thức phòng bệnh được khuyến cáo, nếu thấy bạn bè, người quen có dấu hiệu bất thường, hãy yêu cầu họ đến ngay cơ sở y tế, vậy là đủ. Bởi vì những trải nghiệm tổn thương do bị phân biệt đối xử, xa lánh, cô lập sẽ không được tính vào số thương vong của bệnh nhưng sẽ để lại dấu ấn và ảnh hưởng khó phai trong cuộc sống của những người trải qua - nhất là khi họ không nhiễm bệnh", bà Yên chia sẻ.
Đối với những người trở về từ vùng dịch, trước tiên họ cần tự giải phóng bản thân mình khỏi mặc cảm bị kỳ thị và hiểu rằng sự thận trọng của cộng đồng là điều khó thể tránh.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm, trò chuyện với bạn bè, người thân để duy trì cảm giác tích cực, đối diện với thực tế và thành thật với suy nghĩ của mình để hạn chế các đè nén gây hại cho sức khỏe tinh thần nhất có thể.
"Mọi người cần phải hiểu rằng dịch cúm rồi sẽ qua đi, nhưng tổn thương ta gây ra sẽ là những vết thương thật, cũng nghiêm trọng không kém gì bệnh tật và ảnh hưởng lâu dài tới các mối quan hệ", bà Yên nhận định.
Nạn nhân của bán hàng online
H.T. (19 tuổi, du học sinh tại Vũ Hán) cũng về Việt Nam từ đầu tháng 1 và qua thời gian ủ bệnh. Tuy nhiên, những ngày qua đối với cô sinh viên Hà Nội cũng chẳng mấy vui vẻ.
“Khi thông tin về dịch virus corona rộ lên ở Việt Nam, mình bị người quen bán hàng online trên mạng đồn là nhiễm bệnh vì trở về từ Vũ Hán. Dù người này chỉ viết là có người ở khu mình mắc, nhưng ai đọc cũng biết ngay là ám chỉ mình vì khu này có mỗi mình đi học ở Vũ Hán thôi. Sau khi hỏi ra mới biết người ta làm vậy vì muốn kéo tương tác để bán khẩu trang”, H.T. kể.
Sau khi làm rõ sự việc, cô nhận được lời xin lỗi từ người đó và để sự việc kết thúc vì cũng không muốn làm lớn chuyện. Theo nữ sinh, không ít du học sinh, nghiên cứu sinh từ Vũ Hán về nước thời gian vừa rồi cũng gặp phải rắc rối như cô.
“Ngoài sự khó chịu thì bọn mình cũng buồn chứ, vì bị tung tin thất thiệt như vậy, ảnh hưởng đến cả gia đình. Mẹ mình cũng cảm thấy bị làm phiền vì có nhiều người hỏi han, tò mò”, H.T. cho biết.
Từ bực tức, bức xúc vì bị làm phiền đến buồn tủi do sự hiểu lầm của người khác, đó không chỉ là cảm giác của Quốc Huy, H.T. hay N.P. mà nhiều công dân Việt Nam nói chung khi trở về từ Vũ Hán.
Lương Chi, du học sinh ngành tâm lý học tại Vũ Hán, là chủ nhân của bài đăng được hàng trăm bạn trẻ chia sẻ lại trên mạng xã hội từng viết:
“Chúng tớ không lựa chọn Vũ Hán để trở nên nổi tiếng nhờ một con virus, càng không mong ngôi nhà thứ 2 biến thành nơi dịch bệnh như thế này. Tuy nhiên, chúng tớ chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn nơi này, chúng tớ sẽ vẫn quay lại đây và tiếp tục việc học, việc tận hưởng những năm tháng thanh xuân tươi đẹp ở Vũ Hán, luôn cầu mong cho nơi này sớm bình yên”.