Từ vụ lật tàu ở vịnh Hạ Long, tâm lý đổ lỗi nạn nhân đã ăn sâu trong cộng đồng
Vụ tai nạn lật tàu tại Hạ Long khiến hàng chục người thương vong đã để lại nỗi đau lớn cho cả xã hội. Bên cạnh những lời tiếc thương, lại xuất hiện nhiều bình luận lạnh lùng, trách móc chính các nạn nhân. Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân không phải mới, nhưng việc nó lặp đi lặp lại sau mỗi thảm họa khiến chúng ta cần nhìn lại. Vì sao trong lúc đau thương nhất, nạn nhân lại trở thành mục tiêu công kích?
Khi nỗi đau bị dội thêm bởi phán xét
Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh chiều 19/7 khiến ít nhất 36 người thiệt mạng, 3 người vẫn còn mất tích. Còn tàu gặp giông cực đoan, lật úp chỉ trong vài giây, hành khách và toàn bộ thuyền viên chìm xuống biển. Tai nạn bất ngờ, thương vong lớn khiến cả nước bàng hoàng.
Bên cạnh những lời chia sẻ, thương tiếc, mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận cay nghiệt, trách móc các nạn nhân: “Đi biển mà không mặc áo phao là quá chủ quan”, “Biết có bão mà vẫn cố đi, tiếc tiền à?”, “Không phải do thời tiết, là lỗi của họ vì không đề phòng”… Không ít ý kiến hướng sự chỉ trích về cả phía chủ tàu lẫn hành khách.
Trước làn sóng phán xét, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng mạng dừng đổ lỗi cho những người xấu số. Một người viết: “Tai nạn là hoàn toàn hy hữu và không ai lường trước được. Đừng chì chiết vì họ không biết trước tai họa đến nhanh thế… Họ đáng được thương tiếc, không phải chỉ trích”.

Anh Đinh Đức Hiệp là một trong những người thoát nạn sau vụ chìm tàu. Ảnh: Quốc Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng có hơn 20 năm kinh nghiệm, khẳng định giông lốc ngày 19/7 là hiện tượng cực đoan, không thể dự báo trước. Ông phản bác các luồng đổ lỗi rằng khi tàu rời cảng, thời tiết vẫn nắng ráo, bão chưa vào. Dự báo thời tiết chính thức cho biết bão sẽ ảnh hưởng từ ngày 21/7 trở đi. Cơ quan chức năng không thể cấm biển sớm nếu không có dấu hiệu rõ ràng. Khi cứu hộ phát hiện, 80-90% nạn nhân có mặc áo phao. Điều này cho thấy thuyền trưởng đã yêu cầu hành khách mặc, nhưng thiết kế khoang kín khiến họ không kịp thoát khi tàu lật. Chuyên gia cho biết ngay cả các mô hình dự báo hiện đại cũng không ghi nhận được cơn giông lốc tại thời điểm đó.
Dù vậy, các nạn nhân vẫn bị “xét xử” trên mạng bằng những lập luận vô cảm, không có thông tin đầy đủ và phần lớn xuất phát từ cảm tính.
Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân
Theo các chuyên gia tâm lý, hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) là phản ứng tâm lý phổ biến, bắt nguồn từ lỗi quy kết, khi con người có xu hướng đổ lỗi cho cá nhân thay vì xem xét hoàn cảnh khách quan. Đó là cách để người ta cảm thấy mình kiểm soát được rủi ro, tự trấn an rằng “nếu mình không làm như họ, mình sẽ an toàn”.
Nhà tâm lý học William Ryan từng định nghĩa khái niệm này từ năm 1971. Xã hội thường hợp lý hóa bất công bằng cách quy trách nhiệm lên người bị hại. Điều này không chỉ bóp méo sự thật, mà còn gây ra tổn thương thứ cấp cho nạn nhân và gia đình họ.

Hiện tượng này từng lặp lại nhiều lần. Tờ People của Trung Quốc lấy dẫn chứng năm 2012, một người đàn ông chết đuối trong ô tô giữa trận mưa lịch sử ở Bắc Kinh, nhiều người lên mạng đồn rằng “anh ta đi với bồ nhí nên bị quả báo”.
Cũng năm đó, một thực tập sinh ngành y bị sát hại ở Đại học Y Hắc Long Giang, thay vì cảm thương, một số người lại “mổ xẻ” đời tư cô gái, bịa đặt rằng do quá u mê ái tình nên gặp chuyện.
Tháng 7/2016, tại Vườn thú Bát Đạt Lĩnh (Bắc Kinh), đôi vợ chồng cùng mẹ bị hổ tấn công khi xuống xe. Người mẹ bị thương, bà tử vong khi cứu con gái. Thay vì cảm thông, mạng xã hội lại lan truyền vô số tin đồn như “vợ chồng cãi nhau”, “xuống xe cãi vã”… Sau này, chính nạn nhân lên tiếng đính chính cô bị say xe và tưởng đã đến trạm nghỉ nên xuống để đổi tài.
Về mặt tâm lý, điều này liên quan đến giả thuyết “thế giới công bằng” (just-world hypothesis) do nhà tâm lý học Melvin Lerner phát triển, nghiên cứu. Lý thuyết miêu tả niềm tin về thế giới là công bằng, chúng ta sẽ lãnh những gì mà mình xứng đáng. Nhưng khi chứng kiến một người lương thiện bị hại, đặc biệt là người có hoàn cảnh giống mình, niềm tin này bị đe dọa. Để tự trấn an, nhiều người lựa chọn tin rằng “nạn nhân chắc chắn đã làm gì sai”.
Đây là một cơ chế tâm lý nhằm bảo vệ niềm tin cá nhân, nhưng lại gây tổn thương cho người khác.

Nhiều khi, giả thuyết này đến từ những hành vi rất đời thường và vô thức. Chẳng hạn như khi một người bị móc túi và bị mắng vì để ví trong túi sau. Bất cứ khi nào người khác hỏi: “Tại sao anh/cô không làm thế này để tránh bị hại?”, tức là họ đang góp phần nuôi dưỡng văn hóa đổ lỗi.
Theo giáo sư tâm lý học Sherry Hamby, tổng biên tập tạp chí Psychology of Violence thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), lý giải: “Đó là niềm tin rằng ai cũng xứng đáng với những gì xảy ra với mình. Con người luôn có nhu cầu mạnh mẽ muốn tin rằng hệ quả nào cũng công bằng rằng, nếu ai đó gặp bất hạnh, hẳn là họ đã làm điều gì đó để phải chịu như vậy”.
Bên cạnh đó, “lỗi quy kết cơ bản” (fundamental attribution error) cũng là nguyên nhân. Lúc này, con người có xu hướng quy trách nhiệm cho tính cách cá nhân của người bị hại, thay vì xem xét hoàn cảnh xã hội, quyền lực và yếu tố hệ thống. Điều đó dẫn đến việc bỏ qua nguyên nhân thực sự để rồi quay sang phán xét nạn nhân.
Khi văn hóa cũng bị đem ra kết tội
Hiện tượng đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ dừng ở cá nhân. Thảm họa phà Sewol tại Hàn Quốc năm 2014 là minh chứng. Phà Sewol chở theo 476 người, trong đó có 250 học sinh trung học. Khi tàu chìm, học sinh được yêu cầu “ở yên trong khoang”, dẫn đến hậu quả thương tâm khi 304 người thiệt mạng.
Ngay sau đó, nhiều hãng truyền thông phương Tây quy trách nhiệm cho văn hóa Khổng giáo, cho rằng học sinh Hàn Quốc “quá nghe lời”, xã hội “quá phân cấp”, nên không ai phản kháng.
Tuy nhiên, như nhiều nhà báo Hàn Quốc phản bác, thảm kịch này là kết quả của thiết kế tàu sửa trái phép và chở quá tải (gấp đôi mức cho phép), quy trình cứu hộ rối ren, không hiệu quả, thuyền trưởng bỏ tàu trước, khiến hành khách không được hướng dẫn thoát thân, cơ quan cấp phép lỏng lẻo, thiếu giám sát.
Đổ lỗi cho văn hóa là cách giải thích dễ dãi và nguy hiểm khi nó che mờ sai phạm hệ thống và vô tình đổ lỗi cho người đã khuất.
Khi đối mặt với tin tức thương tâm, bản năng đầu tiên của chúng ta có thể là hoài nghi, phòng vệ hoặc lên án. Nhưng điều cần thiết hơn cả là giữ tỉnh táo, giữ nhân tính.
Nạn nhân không cần bị xét xử trên mạng, họ cần được tưởng nhớ và bảo vệ danh dự. Gia đình họ không cần lời kết tội, mà cần sự lặng im tôn trọng.
Bởi đến một lúc nào đó, chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của một biến cố bất ngờ. Và khi ấy, thứ mà ai cũng mong đợi không phải là lời phán xét, mà là một chút lòng tốt, một chút thấu hiểu và cơ hội để chữa lành.