Từ vụ mang xăng đốt nhà mẹ: Quyền thừa kế được quy định ra sao?

Theo luật sư, các con chỉ có quyền đối với tài sản của cha mẹ nếu như cha mẹ qua đời mà tài sản vẫn chưa được định đoạt cho người khác.

Ngày 4/11, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) vụ con gái mang xăng đến phóng hỏa nhà mẹ.

Theo cơ quan Công an, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản (chia quyền thừa kế đất), sáng 30/10, 3 con gái của bà Vũ Thị Đều (SN 1961) gồm: Đỗ Thị Định (SN 1982); Đỗ Thị Điểm (SN 1988, đều trú huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và Đỗ Thị Đưa (SN 1990, ở Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mang theo 1 can xăng loại 10 lít đến nhà bà Vũ Thị Đều, đổ xăng xuống nền nhà rồi châm lửa đốt. Hậu quả, bà Đều và 3 con gái đều bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50.000.000 đồng.

Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy.

Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống đằng sau vụ việc con gái mua xăng về phóng hỏa đốt nhà mẹ vì phân chia tài sản không đều gây chấn động dư luận những ngày qua, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc rất đau lòng. Dưới góc độ pháp lý, quyền sử dụng đất có thể là tài sản riêng của cá nhân, tài sản chung của hai vợ chồng hoặc tài sản chung của hộ gia đình. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình với nhau, cần xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó như thế nào để xác định thửa đất đó là tài sản của cá nhân, của hai vợ chồng hay là tài sản chung của hộ gia đình.

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung vợ chồng. Tài sản có được do được tặng cho chung, thừa kế chung là tài sản chung vợ chồng, tài sản có nguồn gốc là tài sản riêng nhưng được nhập vào thành tài sản chung thì cũng là tài sản chung vợ chồng. Đối với tài sản chung vợ chồng thì vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Khi hai vợ chồng còn sống thì các con không có quyền đòi phân chia tài sản chung vợ chồng bởi theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu tài sản (cha mẹ) mới có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản. Các con chỉ có quyền đối với tài sản của cha mẹ nếu như cha mẹ qua đời mà tài sản vẫn chưa được định đoạt cho người khác. Những người con có thể được hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đối với di sản do cha mẹ để lại.

Trong trường hợp cha, mẹ có tài sản chung nhưng khi sinh sống đã tặng cho, chuyển nhượng hết cho người khác, đến lúc chết không còn tài sản (di sản) nữa thì các con cũng không còn quyền thừa kế. Trường hợp cha mẹ có di chúc là sau khi chết, tài sản thuộc về các con theo di chúc hoặc không có di chúc thì các con sẽ được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình, các con là các thành viên của hộ gia đình thì cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung của hộ gia đình. Theo quy định của pháp luật thì quyền sử dụng đất là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia. Bởi vậy nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của hai vợ chồng thì hai vợ chồng có quyền chia khối tài sản này.

Mời độc giả xem thêm video Tranh chấp đất đai và ý thức chấp hành pháp luật (Nguồn: THĐT)

Gia Đạt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tu-vu-mang-xang-dot-nha-me-quyen-thua-ke-duoc-quy-dinh-ra-sao-1769593.html