Từ vụ ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại: Siết chặt bảo vệ di sản

Từ vụ việc ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại, theo ý kiến các chuyên gia, việc siết chặt bảo vệ di sản, các bảo vật quốc gia cần được thực hiện đồng bộ.

Những kẽ hở bảo vệ bảo vật quốc gia

Vụ việc ngai vua triều Nguyễn, một bảo vật quốc gia bị xâm hại ngay trong không gian trưng bày của di tích quốc gia đặc biệt mới đây đang khiến dư luận hết sức bàng hoàng và phẫn nộ. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Xã hội của Quốc hội nhận định, đây không chỉ là một "cú sốc" với giới chuyên môn mà còn là nỗi đau của bất cứ ai yêu mến và trân trọng văn hóa, lịch sử dân tộc.

Ngai vua triều Nguyễn. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Ngai vua triều Nguyễn. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law - bày tỏ quan điểm vụ việc xâm hại ngai vua triều Nguyễn là một sự việc rất nghiêm trọng, không chỉ gây tổn thất về mặt vật chất mà còn làm tổn thương đến giá trị tinh thần và biểu tượng văn hóa của quốc gia.

Việc xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với cá nhân vi phạm (nếu đủ năng lực chịu trách nhiệm) và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan là cần thiết để thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật và tăng cường công tác bảo vệ di sản văn hóa trong tương lai”- ông Hà nhấn mạnh.

Ngai vua triều Nguyễn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là hiện vật độc bản, mang giá trị đặc biệt quý hiếm về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật, biểu tượng quyền uy của một triều đại trong lịch sử Việt Nam. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được bảo vệ, bảo quản theo chế độ đặc biệt.

Tuy nhiên, ngay giữa trung tâm của quần thể di sản được UNESCO công nhận, việc bảo vật đã bị xâm hại đã làm dấy lên sự bất an về khả năng gìn giữ di sản văn hóa của chúng ta. Vì vậy, sau sự cố được cho là hi hữu ấy là hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với công tác bảo vệ di sản, bảo vật quốc gia.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận, khi một bảo vật có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa như ngai vua triều Nguyễn bị đập phá ngay trong không gian trưng bày của di tích quốc gia đặc biệt, điều đó cho thấy, hệ thống bảo vệ chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm hại di sản.

"Sau sự việc đáng tiếc vừa qua, có thể khẳng định rằng, công tác an ninh và bảo vệ an toàn cho các bảo vật quốc gia hiện nay vẫn còn tồn tại những kẽ hở và thiếu sót nghiêm trọng" - ông Hà nêu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Theo quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và các văn bản hướng dẫn thi hành, các bảo vật quốc gia phải được bảo vệ ở mức độ cao nhất.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà chỉ rõ, điều này không chỉ bao gồm các kỹ thuật như hệ thống giám sát, thiết bị chống trộm, phòng cháy chữa cháy, mà còn liên quan đến con người, tức là lực lượng bảo vệ, giám sát và đội ngũ chuyên môn. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, công tác này chỉ mang tính hình thức, thiếu đi sự đầu tư đồng bộ cả về vật chất lẫn nhận thức.

Một kẽ hở nữa là chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý văn hóa, đơn vị trực tiếp trưng bày hiện vật và lực lượng an ninh địa phương. Việc không lường được các tình huống phá hoại như vừa qua cũng cho thấy, công tác đánh giá rủi ro và xây dựng phương án ứng phó còn rất yếu” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Siết chặt cơ chế kiểm soát bảo vệ di sản

Từ những lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản hiện nay, các chuyên gia cho rằng, qua vụ việc ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại đã phơi bày trách nhiệm nhiều tầng, từ khâu trực tiếp quản lý di sản đến những chính sách vĩ mô về bảo tồn, phát triển văn hóa. Vì thế, cần thiết lập một cơ chế kiểm soát an ninh di sản mang tính hệ thống, đồng bộ và có tính răn đe cao.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần tăng cường áp dụng công nghệ đến nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực bảo vệ di sản. Đặc biệt, cùng với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa ban hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, sẽ đặt nền móng quan trọng cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhưng để luật đi vào thực tế, không thể thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên, bảo vệ di sản không chỉ là câu chuyện về chính sách, hay áp dụng công nghệ mà còn là trách nhiệm xã hội, thái độ văn hóa của mỗi người. Bởi, như PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu, đó là một xã hội biết trân trọng giá trị lịch sử, biết yêu quý những “hồn cốt” của dân tộc, sẽ không để xảy ra sự cố như ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại tái diễn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ hệ thống bảo vệ di tích, đặc biệt là những nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia.

Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tổ chức liên quan, để không còn những sơ hở khiến di sản bị tổn hại đáng tiếc như ngai vua triều Nguyễn.

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ý kiến, thời gian sắp tới, việc siết chặt công tác bảo vệ các bảo vật quốc gia trên phạm vi cả nước là yêu cầu cấp thiết và cần được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Đó là, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý rà soát, bổ sung các quy định có liên quan đến quản lý bảo vật, tăng cường chế tài xử phạt các hành vi xâm hại.

Tiếp đó, nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách: Cần đào tạo, tập huấn các nghiệp vụ chuyên sâu như: Nghiệp vụ bảo tàng, giám định cổ vật, quản lý di sản... Song hành cùng đó, cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn lậu, thất thoát bảo vật ra nước ngoài.

Đồng thời, cần quy hoạch và bố trí bảo vật hợp lý; có chiến lược phân bổ bảo vật tại các địa phương, tránh tình trạng tập trung quá nhiều vào các khu đô thị lớn, gây mất cân đối trong bảo quản và khai thác giá trị. Xây dựng các trung tâm bảo tồn chuyên biệt đối với một số nhóm bảo vật có giá trị đặc biệt.

Cuối cùng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, thông qua các chương trình giáo dục, truyền thông, hoạt động trải nghiệm văn hóa” - Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.

Đối với hành vi phá hoại, bẻ gãy bệ tỳ tay của ngai vua triều Nguyễn, làm hư hại một phần cấu trúc nguyên bản là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Trường hợp tài sản bị hủy hoại là bảo vật quốc gia, người phạm tội có thể sẽ đối diện với mức phạt lên đến 7 năm tù giam.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính (nếu chưa truy cứu mức hình sự), người gây thiệt hại chắc chắn còn phải chịu trách nhiệm dân sự, căn cứ theo Điều 584 và Điều 589 Bộ Luật dân sự năm 2015. Theo đó, cá nhân gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế bao gồm: Chi phí phục hồi, tu sửa bảo vật; chi phí liên quan đến việc trưng bày tạm thời, bảo quản khẩn cấp.

Có nghĩa là, người xâm hại di sản sẽ đối diện với mức phạt tiền cụ thể phụ thuộc vào kết quả định giá thiệt hại thực tế và chi phí phục hồi ngai vàng (vốn là một bảo vật quốc gia).

Theo đó, các khoản thiệt hại từ việc ngai vua triều Nguyễn bị gãy có thể tính đến như: Chi phí phục hồi, tu sửa bảo vật, chi phí liên quan đến việc trưng bày tạm thời, bảo quản khẩn cấp. Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào kết quả giám định và định giá thiệt hại thực tế do cơ quan chuyên môn xác định.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-vu-ngai-vua-trieu-nguyen-bi-xam-hai-siet-chat-bao-ve-di-san-389528.html