Từ vụ nghi vấn xuất xứ Asanzo: Hiểu thế nào về hàng hóa 'Made in Việt Nam'?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu doanh nghiệp mang những sản phẩm không làm chủ ý tưởng, không làm chủ công nghệ, không sở hữu độc quyền thiết kế… sản xuất ở nước ngoài mà tự ý 'biến hóa' thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, thì doanh nghiệp, nhãn hàng đó làm ăn 'chộp giật', vi phạm đạo đức kinh doanh.
“Cơn địa chấn hàng Việt” mang tên Asanzo đã gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây, bởi nghi vấn các mặt hàng điện gia dụng, điện tử mang nhãn Asanzo có xuất xứ từ Trung Quốc và được “hóa phép” trở thành hàng sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về xuất xứ hàng hóa của nhãn Asanzo nhưng trên thị trường nội địa hiện nay, có rất nhiều sản phẩm gia dụng, điện tử gắn “made in Việt Nam”, được sản xuất ở nước ngoài.
PV Báo Gia đình & Xã hội đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công thương Hà Nội) về vấn đề trên.
Ông Phú cho hay: “Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp đều gia công sản phẩm tại nước ngoài như tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… vì chi phí nhân công rẻ, tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiều loại hàng hóa có mặt tại Việt Nam cũng tương tự, rất nhiều sản phẩm điện tử, gia dụng cũng được sản xuất tại các nước kể trên với công nghệ từ nước thứ 3. Tuy nhiên, để sản phẩm được gắn “made in Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” thì doanh nghiệp phải đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản là: Làm chủ được ý tưởng thiết kế sản phẩm, làm chủ được công nghệ, sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ độc quyền trên thế giới…”.
Ông Phú giải thích: “Làm chủ công nghệ có thể hiểu đơn giản là làm chủ công nghệ chế tạo, công nghệ phối trộn các chất cấu tạo nên các thành phần linh kiện… để kết cấu sản phẩm có độ bền nhất định.
Nếu doanh nghiệp không có được 3 yêu cầu cơ bản trên, ta có thể khẳng định, hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài là phải mang danh sản xuất ở nơi làm ra sản phẩm. Nếu doanh nghiệp mang những sản phẩm không làm chủ ý tưởng, không làm chủ công nghệ, không sở hữu độc quyền… sản xuất ở nước ngoài mà tự ý “biến hóa” thành sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thì doanh nghiệp, nhãn hàng đó làm ăn “chộp giật”, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Ở góc độ đạo đức kinh doanh mà nói thì nhãn hàng, doanh nghiệp đó không những đánh lừa người tiêu dùng, mà còn lừa dối cả cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, doanh nghiệp đó cũng có dấu hiệu trốn thuế. Bởi vì, doanh nghiệp nhập nguyên chiếc sản phẩm điện tử sẽ phải chịu thuế thu nhập đặc biệt nhưng nếu chỉ nhập riêng linh kiện thì chỉ phải chịu thuế VAT”.
Cũng theo ông Phú: “Chúng ta cũng cần xem lại chính các tiêu chí để doanh nghiệp, sản phẩm được cấp mã số mã vạch trong nước. Bởi vì hiện nay, rất nhiều nhãn hàng điện tử, gia dụng sản xuất ở Trung Quốc nhưng trên nhãn lại có mã vạch Việt Nam.
Những thực trạng tôi kể trên có nguy cơ ngăn chặn sự phát triển của hàng Việt chân chính, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận và khó có thể hiểu được đâu là hàng Việt thực sự.
Quan điểm của tôi là người tiêu dùng thông thái thôi chưa đủ, mà cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng trước khi họ phải tự tìm cách "biến" mình thành người tiêu dùng thông thái.
Tôi nói vậy là bởi một chiếc tivi, chỉ có cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước mới biết được nó là thật hay giả, còn người tiêu dùng thì không dễ để nhận biết".
Về sự cố của Asanzo, ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn, dư luận rất hoan nghênh cơ quan quản lý Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc trong vụ việc và cũng "nóng lòng" chờ đợi từng ngày kết quả được công bố.
Vụ việc rất cần được sớm đưa ra ánh sáng bởi trong thời điểm này, chắc chắn không ít người tiêu dùng là khách hàng đã từng mua sản phẩm mang nhãn Asanzo hoang mang như ngồi trên đống lửa. Nếu sự cố hỏng hóc chẳng may xảy đến với sản phẩm của họ thì sẽ được bảo hành ra sao?
Ngoài ra, trong sự cố Asanzo, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khu vực phụ trách địa bàn. Chính quyền địa phương cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.