Từ vụ Nguyễn Phương Hằng bàn về tự do ngôn luận
Một vụ việc gây náo loạn mạng xã hội (MXH) thời gian qua là vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971) - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam, bị khởi tố hình sự vì lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Doanh nhân thành đạt bị bắt sau thời gian khuấy động mạng xã hội
Bà Hằng được xã hội biết đến là một doanh nhân thành đạt, mạnh thường quân với quỹ từ thiện ngàn tỉ đồng và gần đây nổi danh với những livestream khuấy động MXH khi tố cáo, làm nhục bao nhiêu người ngay gian lẫn lộn, ngôn từ thô bỉ đầu đường xó chợ. Từ gã thần y lừa đảo khắp Bắc, Trung, Nam đến các nghệ sĩ gom tiền từ thiện chục tỉ bỏ rồi quên, sự thoái hóa, biến chất, suy đồi về đạo đức xã hội, hiện tượng thao túng, lộng hành, hủy hoại môi trường văn hóa lành mạnh của giới nghệ sĩ, showbiz,... Những vụ việc đó, chứng minh được nó, lôi nó ra ánh sáng với bằng chứng rõ ràng không phải là điều đơn giản nhưng pháp luật là phải có chứng cứ, nếu không sẽ phạm tội vu khống, xúc phạm, nhục mạ.
Bản tin chính thức của Công an TP.HCM ngày 24/3/2022 cho biết: "Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của MXH trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Quá trình điều tra, Nguyễn Phương Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn TP.HCM và các địa phương khác".
Sự việc bà Hằng bị bắt không chỉ MXH và báo chí trong nước mà truyền thông nước ngoài cũng dồn dập đưa tin, không ít trong đó là tin tức xuyên tạc. Loa rè Đài Á châu tự do (RFA) bình luận: “Hóa ra công sức livestream hao hơi tổn sức của doanh gia chỉ mua vui cho đám fan cuồng, với lãnh đạo anh minh, mặt trời chân lý thì chỉ như tiếng chó sủa ma, tiếng đàn piano thánh thót chảy qua tai Sửu,...”, “Nhiều người khác chỉ hắt hơi, than thở về tiêu cực của quan chức cấp huyện, cấp tỉnh lẻ đã phải ra tòa lãnh án thế nhưng bà chủ khu du lịch Đại Nam lại có thể mắng té tát, thô tục nhiều người ngày này qua tháng khác vẫn sống vô tư”; “Vợ chồng Dũng lò vôi xem luật pháp Việt Nam như nồi cháo heo”.
Còn dư luận MXH trong nước như ông Nguyên Vũ viết: "Muộn còn hơn không! Mừng cho đôi tai của dân ta đã quá khổ sở hơn 1 năm trời!". Ông Hoàng Điệp viết: "Cái gì cũng có giới hạn thôi, ảo tưởng bản thân, ảo tưởng quyền lực thì cái gì đến sẽ đến. Chắc chắn không chỉ một mình bà Hằng bị bắt...". Một nhóm fan Nguyễn Phương Hằng cũng trên Facebook, đăng cảm tưởng: "Qua sự việc này, cả nhà có nhận ra cô đang làm vì ai, lợi ích vì dân, rồi ngày hôm nay nỗi buồn áp lực này mình cô chịu vì ai, hãy nhìn vào thực tế cô chú đã làm cho dân nghèo, mang cơ hội sống cho trẻ em bệnh tim bẩm sinh, bao nhiêu con đường mới được mở ra, bao nhiêu căn nhà tình thương,... Cả nhà hãy tin vào luật nhân quả những gì tốt đẹp cô đã làm cho dân".
Không nên ứng xử tùy tiện trên mạng xã hội
“Thượng tôn pháp luật” có nghĩa là “pháp luật là trên hết”. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam xác định: Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận; đồng thời, nhấn mạnh “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, tất cả mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình trên MXH. Tuy nhiên, không phải thích nói gì thì nói, hay phát ngôn như thế nào cũng được mà đó phải là sự phát ngôn chuẩn mực, có văn hóa và đúng pháp luật, không được phép xuyên tạc, vu khống, xúc phạm trái pháp luật đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, đó đều là các hành vi trái pháp luật và sẽ phải chịu các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật.
Không ít cá nhân đã ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa, thậm chí tiêu cực trên MXH, khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình, lên tiếng gay gắt. Dường như các công dân đó lầm tưởng MXH là nơi tự do ngôn luận không có giới hạn, không ở trong phạm vi hiệu lực của luật pháp quốc gia, không liên quan đến chuẩn mực văn hóa cộng đồng nên họ ứng xử bất chấp luật pháp, chuẩn mực văn hóa. Rồi khi cơ quan chức năng khuyến cáo, xử lý, họ lại lớn tiếng cho rằng quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm, tạo cớ để kẻ xấu lợi dụng vu cáo Việt Nam!
Về bản chất, khi đưa ra ý kiến, bình luận, chia sẻ nội dung,... trên MXH là tổ chức, cá nhân đã thực hiện một hành vi liên quan tự do ngôn luận. Ý kiến, bình luận, chia sẻ,... có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, văn hóa hay phản văn hóa đều trực tiếp tác động đến người xem, nghe. Như vậy, hành vi nêu trên không còn ở trong giới hạn phạm vi cá nhân mà là hoạt động cộng đồng, vì thế phải tuân thủ những giới hạn mà luật pháp cho phép. Vượt qua giới hạn đó, tổ chức, cá nhân sẽ tự đẩy mình đến chỗ vi phạm pháp luật, nên cần được khuyến cáo để tự điều chỉnh.
Những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng MXH để phát ngôn bừa bãi, bất chấp pháp luật, gây nhiễu loạn thông tin làm bất ổn tình hình an ninh, trật tự xã hội,... đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh,... để tiết chế phát ngôn cho phù hợp. Đồng thời, người tham gia MXH dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất, xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.
Vụ việc bà Hằng cũng là bài học quý giá cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng MXH nói chung cũng như phát ngôn trên MXH nói riêng. Khi một người đã phát ngôn công khai trên không gian mạng, công khai trước công chúng thì người đó sẽ phải chịu các trách nhiệm xã hội và pháp lý đối với các phát ngôn của mình./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-vu-nguyen-phuong-hang-ban-ve-tu-do-ngon-luan-a133178.html