Từ vụ nổ điện thoại khiến thiếu niên bị giập nát bàn tay: Cách sử dụng điện thoại an toàn?

Thêm một vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra liên quan đến nổ điện thoại. Các bác sĩ cho biết, dạng tổn thương này hay có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật.

Vậy, sử dụng điện thoại như thế nào để an toàn cho sức khỏe?

Cách sử dụng điện thoại an toàn?

Cách sử dụng điện thoại an toàn?

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nam bệnh nhân bị nát bàn tay trái, vết thương gây hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn, đầu các ngón tay nuôi dưỡng kém, giập nát năm ngón, nát hết phần mềm bàn tay.

Bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, vết thương dần hồi phục.

Tuy nhiên, các dạng tổn thương này thường phức tạp, ngoài tổn thương giập nát trực tiếp còn các tổn thương do sóng nổ. Do đó, các tổn thương này hay có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi tiếp.

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn xảy ra do nổ điện thoại khi chơi điện tử (game) trong thời gian liên tục hoặc vừa sử dụng vừa sạc điện thoại, đã có nạn nhân cụt chi, bỏng mặt... thậm chí tử vong.

Các chuyên gia FPT chia sẻ, có những lỗi nhỏ khi sử dụng điện thoại di động mà người dùng thường xem là chuyện nhỏ nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng. Đó là việc sạc điện thoại di động, nên dùng cục sạc chính hãng, tương thích với sản phẩm. Nếu tự mua cục sạc bên ngoài, khách hàng nên lựa chọn mua ở những địa chỉ có uy tín, thương hiệu, đồng thời phải xem kỹ thông số ghi trên thiết bị này.

Ví dụ cục sạc dành cho điện thoại khoảng từ 1 – 1,5 Ampe thì an toàn, nếu không có thể gây cháy nổ trong khi sạc. Phụ kiện này cũng cần được kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần.

Không nên chơi điện tử lâu trên điện thoại; sử dụng các loại sạc điện thoại đảm bảo chất lượng; tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố.

Tổ chức Y tế Thế giới còn khuyến cáo, việc sử dụng điện thoại di động sẽ khiến người dùng phải tiếp xúc liên tục với sóng vô tuyến - tác nhân có thể gây bệnh ung thư. Để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của sóng điện thoại di động, các chuyên gia lưu ý: Không áp điện thoại vào cơ thể, để thiết bị cách cơ thể chỉ 1-2 cm cũng đã giảm đáng kể lượng bức xạ; không nói chuyện dài; sử dụng tai nghe hoặc bật loa ngoài; tránh dùng điện thoại ở nơi sóng yếu, vì khi thuê bao ở xa trạm thu phát sóng tín hiệu sẽ yếu đi, thiết bị phải điều chỉnh để kết nối với trạm làm tăng lượng bức xạ phát ra.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-vu-no-dien-thoai-khien-thieu-nien-bi-giap-nat-ban-tay-cach-su-dung-dien-thoai-an-toan-229744.html