Từ vụ nữ sinh cầm đầu đường dây ma túy - Vai trò gia đình ở đâu?
Những ngày qua, thông tin về nữ sinh Hoàng Nguyễn Minh Hằng, sinh năm 1999, người ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, cầm đầu đường dây mua bán ma túy liên tỉnh rất tinh vi, bị Công an Thừa Thiên - Huế phát hiện, bắt giữ khiến nhiều người bàng hoàng. Bên cạnh sự chỉ trích, lên án về lối sống sa ngã của cô gái, nhiều người đặt câu hỏi về vai trò gia đình Hằng trong việc theo dõi sâu sát để kịp thời giáo dục uốn nắn hành vi của con em mình.
Có thể vắn tắt thông tin từ cơ quan chức năng cung cấp trường hợp này như sau: Hoàng Nguyễn Minh Hằng là sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Du lịch Huế, ít đi học, thường xuyên sống ở nhà nghỉ, khách sạn; hay đi du lịch. Hằng quan hệ, giao du với một số đối tượng xã hội, giới giàu có; đi lại bằng xe máy SH hoặc taxi, ô tô và đi xa đến các thành phố lớn, các điểm du lịch bằng máy bay…Nghi ngờ trước những sinh hoạt không bình thường của sinh viên này, cơ quan chức năng đã bí mật theo dõi, phát hiện đường dây ma túy lớn chuyên cung cấp hàng tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và một số địa phương, xác định nghi phạm cầm đầu đường dây chính là Hoàng Nguyễn Minh Hằng. Vào lúc 13 giờ 30 ngày 8/6/2020 tại nhà nghỉ Huế Xưa (đường Điềm Phùng Thị, TP.Huế) Hằng bị Công an bắt cùng với tang vật là 1.303 viên thuốc lắc, gần 500 triệu đồng tiền mặt và nhiều dụng cụ cùng các giấy tờ liên quan.
Tiếp tục đấu tranh với Hằng, cơ quan chức năng nắm được nhiều đối tượng khác là thanh niên, sinh viên của Trường Cao đẳng Du lịch Huế cũng liên quan đến đường dây ma túy do Hằng cầm đầu và bắt thêm các đối tượng trong đường dây cấp dưới của Hằng. Tại cơ quan công an, Hằng khai nhận, sau khi mua ma túy từ những đối tượng ở TP. Hồ Chí Minh, Hằng yêu cầu bỏ ma túy vào những gói quà sinh nhật, hàng mỹ phẩm. Tiếp đó, số hàng này được gửi theo xe khách chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Huế. Về đến Huế, Hằng thuê tài xế xe ôm, xích lô ở bến xe chở những gói quà này về nhà. Khi giao dịch ma túy, Hằng cũng thuê taxi, xe ôm đi giao dịch, tiền mua bán ma túy được chuyển trực tiếp qua tài khoản ngân hàng…Nghe thông tin về Hằng, người dân tỉnh Quảng Trị càng tá hỏa hơn khi biết được đối tượng là con nhà lành, có bố mẹ và anh là công chức, viên chức Nhà nước.
Đến đây, rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao gia đình Hằng không hay biết những thói quen sinh hoạt của con mình. Là một gia đình công chức bình thường, hơn ai hết, bố mẹ Hằng luôn biết họ nuôi con gái ăn học mỗi tháng bao nhiêu tiền. Vậy lấy tiền đâu ra để Hằng đi du lịch hạng sang, ăn chơi có tiếng. Có khi nào gia đình đã nghi ngờ hành vi ăn chơi không bình thường của con gái mình?
Chúng ta luôn biết, giáo dục gia đình rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Có xây gốc rễ giáo dục gia đình vững chắc thì con cái mới tránh được những cám dỗ dẫn đến trượt ngã đau đớn trên đường đời. Câu chuyện của Hằng cũng là câu chuyện chung của không ít gia đình thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc con cái khi con bước chân ra khỏi nhà đi học. Các em đã đủ 18 tuổi, một cái tuổi phải chịu trách nhiệm trước hành vi do mình gây ra nhưng nếu gia đình luôn theo sát con em vẫn có thể phát hiện, điều chỉnh kịp thời những hành vi có dấu hiệu “trật đường ray” của một thanh niên mới lớn.
Mặt trái của xã hội phát triển năng động mà chúng ta đang chứng kiến mỗi ngày đó là những cám dỗ dễ trượt ngã cho những người trẻ muốn sớm được hưởng thụ nhưng không cần đầu tư nhiều công sức cho lao động, học tập. Trong một xã hội đang có hiện tượng như vậy thì giáo dục gia đình cần được coi trọng hơn nữa. Nếu giáo dục gia đình không thể hiện vai trò chủ đạo thì rất dễ bị nhường chỗ cho những chức năng tự phát của giáo dục xã hội, nơi mà cái tốt, cái xấu, cái thực, cái ảo của công nghệ truyền thông, công nghệ số đang lẫn lộn ồ ạt tấn công con cái chúng ta. Nếu được giáo dục tốt để phòng vệ, biết lựa chọn lối sống lành mạnh và những giá trị đạo đức nhân văn thì tất yếu sẽ không còn chỗ cho lối sống buông thả và sự cám dỗ của vật chất len vào.
Trở lại câu chuyện của Hằng, đối tượng có nhân thân tốt nhưng lại thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội, để rồi nhanh chóng bị cám dỗ, sa ngã. Với gia đình của Hằng, hãy nhìn nhận trách nhiệm từ phía mình đã để con gái sa ngã, chỉ đến khi đường dây ma túy bị phát hiện thì mọi chuyện như khép lại với Hằng. Cô đã mất cơ hội được học tập, lao động và trưởng thành chính đáng. Vụ việc của Hằng nhắc nhở cho tất cả chúng ta về trách nhiệm giáo dục của gia đình, là bài học cảnh tỉnh không bao giờ muộn với rất nhiều gia đình thời hiện đại.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149604