Từ vụ Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục: Sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng bị xử lý thế nào?

Từ vụ Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị khởi tố vì tội lừa dối khách hàng nhiều độc giả thắc mắc, hành vi lừa dối khách hàng bị xử lý thế nào? Vi phạm mức nào thì phạt hành chính, mức nào xử lý hình sự?

Lừa dối khách hàng có tổ chức có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm

Ngày 4/4, Bộ Công an thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng" quy định tại Điều 193, 198 Bộ luật Hình sự, liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt và một số công ty, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk.

 Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong buổi livestream bán kẹo Kera

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong buổi livestream bán kẹo Kera

Theo điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, sản phẩm thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (kẹo Kera) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt do Công ty Cổ phần Asia Life sản xuất, là hàng giả.

Căn cứ kết quả điều tra, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với 5 bị can gồm:

Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life về tội “Sản xuất hàng giả là thực phẩm", quy định tại Khoản 4, Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.

4 bị can khác bị khởi tố về tội “Lừa dối khách hàng", quy định tại Khoản 2, Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 là: Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt); Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt; Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs, cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt); Lê Thành Công (cổ đông, thành viên HĐQT Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt).

Liên quan đến vụ việc trên, nhiều độc giả thắc mắc, luật quy định hành vi sản xuất hàng giả, lừa dối khách hàng bị xử lý thế nào? Vi phạm ở mức nào thì bị xử lý hành chính, mức nào bị xử lý hình sự?

Trả lời các thắc mắc trên, luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về "Tội lừa dối khách hàng", người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

"Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm theo Khoản 2, Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 với các tình tiết phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ đối mặt với án phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Lê Hồng Hiển nói.

Theo luật sư Hiển, trường hợp thực hiện một trong những hành vi nêu trên (mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác) mà thu lợi bất chính dưới 5 triệu đồng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

 Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự

Luật sư Lê Hồng Hiển - Giám đốc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự

"Danh tiếng không phải là “tấm khiên” bảo vệ trước những hậu quả hình sự. Ngược lại, chính sự nổi tiếng đôi khi lại khiến hành vi sai phạm để lại hậu quả xã hội nghiêm trọng hơn, khi niềm tin của công chúng bị phản bội", luật sư Hiển nói và cho rằng vụ việc liên quan tới Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs sẽ là bài học cảnh tỉnh với những người nổi tiếng cần có trách nhiệm hơn quảng bá sản phẩm.

Buôn bán hàng giả thu lời bất chính trên 1,5 tỷ đồng có thể bị tù chung thân

Liên quan đến chế tài xử lý hành vi buôn bán hàng giả, luật sư Nguyễn Thị Thúy – Công ty Luật TNHH Việt Phú Thịnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định rõ các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Cụ thể, theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm có thể bị xử phạt tù từ 2 năm đến 5 năm theo Khoản 1. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng như thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo Khoản 4, Điều 193 luật này.

Luật sư Thúy cũng cho biết thêm, đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, hàng hết hạn sử dụng, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng… nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đề cập đến vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo Kera do các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục quảng bá, luật sư Thúy nhận định: “Dù trước đây các cá nhân này có nhiều hoạt động thiện nguyện tích cực, song các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần được xem xét, đánh giá một cách độc lập, khách quan, căn cứ vào chứng cứ, hậu quả thực tế gây ra đối với xã hội và người tiêu dùng.”

Điều 198, Bộ luật Hình sự: Tội lừa dối khách hàng

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 193, Bộ luật Hình sự: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 02 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

...

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tu-vu-quang-linh-vlog-hang-du-muc-san-xuat-hang-gia-lua-doi-khach-hang-bi-xu-ly-the-nao-post184280.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat