Từ vụ tai nạn máy bay Jeju Air, hé lộ vấn đề trong ngành hàng không giá rẻ Hàn Quốc

Vụ máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air gặp sự cố ở bộ phận hạ cánh dẫn đến tai nạn thảm khốc, đã làm dấy lên lo ngại về thách thức bảo trì máy bay mà các hãng hàng không giá rẻ phải đối mặt.

Quá phụ thuộc vào bảo trì ở nước ngoài

Báo Korea Times dẫn lời một số nhà quan sát trong ngành hàng không Hàn Quốc dẫn các số liệu về bảo trì máy bay của các hãng hàng không và chỉ ra thực trạng các hãng đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn lực ở nước ngoài để sửa chữa máy bay ở các hạng mục quan trọng, đồng nghĩa các hãng phải đối mặt với thách thức bảo trì rất lớn.

Riêng trong vụ tai nạn máy bay Jeju Air, theo Korea Times, có nhiều nghi vấn hãng này đã ưu tiên vận hành hơn là đảm bảo thời gian bảo trì phù hợp và điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Các điều tra viên đang làm việc tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air (Ảnh: Korea Times).

Các điều tra viên đang làm việc tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Jeju Air (Ảnh: Korea Times).

Theo số liệu của Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Vận tải Hàn Quốc, năm 2023, chi phí bảo trì ở nước ngoài mà các hãng hàng không nước này phải chi trả đạt tổng cộng 1.990 tỷ won (khoảng 1,35 tỷ USD), tăng 58,2% so với mức 1.260 tỷ won vào năm 2019.

Đối với các hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc, mức tăng thậm chí còn cao hơn. Chi phí bảo dưỡng ở nước ngoài của các hãng hàng không giá rẻ lên tới 502,7 tỷ won vào năm 2023, tăng 63,6% trong cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ sửa chữa do các hãng hàng không giá rẻ thực hiện ở nước ngoài rơi vào mức 71,1% vào năm 2023.

Trong số các hãng hàng không Hàn Quốc, chỉ có Korean Air và Asiana Airlines - những hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ của nước này, có khả năng thực hiện các hạng mục sửa chữa lớn, bao gồm đại tu động cơ, vì hai đơn vị này vận hành nhà chứa máy bay riêng và có năng lực bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO).

Còn các hãng hàng không giá rẻ thiếu nguồn lực và phải thuê ngoài để sửa chữa lớn, các lựa chọn MRO trong nước vẫn còn hạn chế vì chỉ có Korean Air và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật và Bảo dưỡng Hàng không Hàn Quốc cung cấp những dịch vụ như vậy.

Bản thân Tổng giám đốc điều hành của Jeju Air Kim E-bae cũng thừa nhận thực trạng này, cho biết hãng đã thực hiện một số sửa chữa trong nước và phần còn lại phải chuyển ra các nhà cung cấp dịch vụ MRO ở nước ngoài.

Cần phát triển ngành bảo trì máy bay trong nước

Các chuyên gia ngành hàng không Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải phát triển ngành MRO trong nước để nâng cao năng lực bảo trì của các hãng hàng không giá rẻ.

Một quan chức giấu tên trong ngành hàng không cho biết: "Hầu hết các hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc đều phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài để thực hiện những sửa chữa lớn, dẫn đến các vấn đề về chi phí và hiệu quả. Việc cải thiện chất lượng bảo trì có vai trò quan trọng đối với an toàn hàng không và sự hỗ trợ từ cấp chính phủ là cần thiết để giải quyết vấn đề này".

Thị trường MRO hàng không toàn cầu dự kiến tăng trưởng lên 124,1 tỷ USD vào năm 2034, nhưng tiến độ phát triển ngành này của Hàn Quốc vẫn còn chậm.

Tháng 8/2021, Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành MRO hàng không trong nước, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bảo dưỡng trong nước lên 70% vào năm 2024.

Tuy nhiên, mãi đến tháng 4/2024, chính phủ mới tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu phức hợp hàng không tiên tiến tại sân bay Incheon, một cụm MRO chuyên dụng.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-vu-tai-nan-may-bay-jeju-air-he-lo-van-de-trong-nganh-hang-khong-gia-re-han-quoc-192250102143401905.htm