Từ vụ tẩm xăng thiêu sống cả nhà người tình vì ghen tuông ở Sơn La: 3 cách hóa giải sân hận hiệu quả trong giáo lý nhà Phật
Vì ghen tuông, người đàn ông này đã đâm chết người tình rồi tẩm xăng đốt cả nhà khiến cho 4 người bỏng nặng, trong đó một đứa con chung của hai người đã bị tử vong tại bệnh viện sáng 9/7.
Án mạng kinh hoàng vì ghen tuông
Đây là vụ án mạng thương tâm mới xẩy ra ít ngày trước tại xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Theo thông tin đã đưa, vào 6h ngày 8/7, Nguyễn Văn Bình (SN 1984, ở tiểu khu 11, thị trấn Mộc Châu) đi taxi vào nhà chị Hà Thị H. (SN 1993 ở xã Mường Sang). Tại đây, 2 người đã xảy ra cãi vã. Sau đó, Bình đã khóa trái cửa nhà cầm hung khí đâm vào người chị H. rồi tẩm xăng đốt. Nghe tiếng la hét kêu cứu, người dân cùng chính quyền địa phương đến dập lửa và phá cửa thì phát hiện chị H. tử vong, Bình cùng mẹ chị H. và 2 cháu nhỏ gồm bé Hà Linh G (SN 2017), Hà Hải Y (SN 2009) bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu.
Theo thông tin đã đưa, Bình có vợ con nhưng đã ly thân. Chị H. làm nghề buôn bán tự do, trước từng có một đời chồng và đã ly hôn. Hai người có quan hệ tình cảm với nhau, có với nhau một đứa con chung nhưng chưa đăng ký kết hôn. Cháu Linh G. là con của chị H. và Bình nhưng mang họ mẹ. Sáng 9/7, cháu Hà Linh G. (2 tuổi, con gái chị H.) cũng đã bị tử vong tại bệnh viện do vết thương quá nặng. Ba người còn lại cũng đều bỏng nặng trên 50 %, riêng Nguyễn Văn Bình bị bỏng nặng nhất (87%) độ sâu 78%, sốc nặng.
Ghen tuông là một hình thái thuộc tâm sân hận
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088, từ trước đến nay đã có khá nhiều vụ việc giết người tình xuất phát từ lý do ghen tuông. Người ta thường gọi đó là những cơn cuồng ghen, tức là khi ghen tuông bị đẩy đến mức cuồng điên, vượt khỏi tầm kiểm soát của chính người đó.
Trong giáo lý nhà Phật, ghen tuông là một hình thái thuộc tâm sân hận. Bản chất của tâm sân là luôn muốn tấn công đối tượng và và hủy diệt đối tượng.
Theo tác giả Thiện Đức (Báo Giác Ngộ), sân hận là một dạng tâm lý tiêu cực tồn tại tiềm ẩn trong mỗi con người, thường sinh khởi, bộc phát mỗi khi gặp điều kiện nhân duyên thích hợp.
Đức Phật xem sân hận là một loại độc tố có khả năng tàn phá tâm hồn và thể xác con người không chỉ trong đời này mà cả những đời sau. Trong kinh Đức Phật thường gọi sân cùng với tham, si là ba độc. Đức Phật còn ví sân như lửa dữ, như giặc cướp, như rắn độc: “Sân hận còn hơn lửa dữ, thường phải đề phòng không cho nó xâm nhập. Nếu trong tâm có những con rắn độc tham, sân, si thì phải mau trừ bỏ, nếu không sẽ bị chúng làm hại”.
Trong tâm lý học thường đưa ra hai giải pháp để giải quyết sân hận đó là kiềm chế cơn sân và giải phóng tâm sân theo cách đánh vào những đồ vật an toàn như đồ đấm bốc, các con thú nhồi bông…
Tuy nhiên theo tinh thần của giáo lý nhà Phật thì cả hai cách trên đều không phải là phương pháp hay. Bởi vì sự kiềm nén cơn giận ở trong lòng chẳng những có hại cho sức khỏe, mà đó còn là một hình thức nuôi dưỡng cơn giận, giữ cơn giận ở dạng tiềm ẩn, đến một lúc nào đó khi gặp điều kiện thích hợp, khi không thể kiềm chế được nữa thì cơn giận bộc phát ra, thậm chí mức độ càng đáng sợ hơn cơn giận lúc ban đầu. Cách để cho cơn giận bộc phát (la hét, đánh đập đồ vật, quăng ném đồ đạc) có thể giải tỏa phần nào sự tức giận nhưng không triệt để làm tiêu tan cơn giận. Cho nên đây cũng chỉ là cách tạm thời, không phải là giải pháp tối ưu.
3 cách hóa giải sân hận hiệu quả trong giáo lý nhà Phật
Giáo lý Phật giáo có nhiều cách để hóa giải sân hận hiệu quả như sau:
1. Phương pháp chánh niệm: Ý thức rõ cơn giận đang có mặt trong tâm. Việc nhận biết sự hiện diện của cơn giận giúp chúng ta kiểm soát nó trước khi nó chế ngự tâm trí chúng ta. Nếu hướng tâm chú ý đến đối tượng làm cho chúng ta tức giận thì cơn giận trong ta càng thêm lớn. Nhưng nếu hướng tâm vào bên trong, quán sát, theo dõi cơn giận, cảm xúc giận dữ của mình thì cơn giận trong ta sẽ dần dần lắng xuống. Trong pháp quán Tứ niệm xứ, Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo quán tâm ở nơi tâm bằng cách thức đó. Hành giả theo dõi tâm mình, biết rằng tâm có tham khi tham khởi lên, biết rằng tâm có sân khi sân khởi lên, biết rằng tâm có si khi si khởi lên. Hành giả luôn chánh niệm tỉnh giác.
Phương pháp quán niệm hơi thở cũng giúp chúng ta làm chủ cơn giận. Mỗi khi tức giận, nên hít thở sâu, hơi thở chậm, đều, êm, nhẹ, để tâm ý tập trung theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra. Biện pháp này giúp tâm lý ổn định, chúng ta có được sự bình tĩnh, có bình tĩnh mới đủ sáng suốt để xem xét sự việc và có cách giải quyết, ứng xử phù hợp.
2. Phương pháp dùng ý niệm để chuyển hóa cơn giận: Sau khi nhận biết rõ sân đang khởi lên trong tâm, bằng phương pháp chánh niệm hơi thở chúng ta làm cho cơn giận lắng dịu. Sau đó chúng ta tiếp tục dùng ý niệm chuyển hóa cơn giận để cơn giận hoàn toàn biến mất khỏi tâm chúng ta. Đây là phương pháp triệt tiêu cơn giận nếu như phương pháp chánh niệm chưa làm cho cơn giận mất hẳn.
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Người kia không hiểu rằng: Tất cả mọi người đều sẽ bị hủy diệt bởi luật vô thường, cho nên mới phí sức tranh luận hơn thua. Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa”. Khi quán niệm lời Phật dạy, thấy rằng ai rồi cũng sẽ chết, mọi sự hơn thua chẳng có nghĩa lý gì. Tức giận để làm gì? Hơn thì sao? Thua thì sao? Tại sao không để cho lòng thanh thản, sống vui vẻ mà lại gây thêm phiền phức, làm cho cuộc sống bị xáo trộn, bất an. Hãy để dành thời gian, hơi sức làm những việc có ích cho bản thân và cuộc đời.
Việc quán nhân duyên, nghiệp báo cũng giúp chúng ta dứt trừ sân hận. Khi nghĩ rằng tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều có nhân duyên cả, từ đó chúng ta dễ dàng chấp nhận những điều không như ý. Chúng ta biết rằng thái độ buông xả, chấp nhận trả nghiệp báo và không tiếp tục tạo nhân bất thiện là một thái độ sáng suốt. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy rất nhiều về điều đó: “Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt của tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy thì sự oán hận tự dứt”
3. Tu tập Tứ vô lượng tâm: Từ, bi, hỷ, xả là phương pháp tối ưu giúp chúng ta chuyển hóa hoàn toàn hạt giống sân hận trong tâm, cởi bỏ oán kết, trải rộng tình thương, làm lan tỏa năng lượng từ bi đến với mọi người dù đó là đối tượng làm cho ta sân hận.
Ngân Khánh (t/h)