Từ vụ Thiên Sư Việt Nam vi phạm kinh doanh đa cấp, cần xử phạt mạnh để răn đe!
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 245 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp Thiên Sư Việt Nam. Đây không phải lần đầu tiên một công ty đa cấp bị xử phạt.
Phạt 245 triệu đồng với Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 245 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (Khu công nghiệp Đại An, TP Hải Dương) do có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp.
Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp cps trụ sở tại Hải Dương này bị các cơ quan chức năng phát hiện không thực hiện trách nhiệm đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định. Công ty này cũng không thông báo tới Bộ Công Thương đúng thời hạn khi có thay đổi trong danh sách đào tạo viên và không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thiên Sư Việt Nam còn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc cấp thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; không thông báo với Sở Công Thương địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc trường hợp phải thông báo theo quy định.
Đạo đức trong kinh doanh đa cấp... dễ vi phạm
Việc vi phạm của Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam (Khu công nghiệp Đại An, Hải Dương) mặc dù chỉ dừng lại ở việc không thực hiện đúng các quy định về đào tạo, tổ chức hội thảo... Tuy nhiên, các vụ lừa đảo biến tướng từ kinh doanh đa cấp không phải là hiếm khi thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan tới bán hàng đa cấp, đây đang là một vấn đề nan giải, khi mà đạo đức kinh doanh trong bán hàng đa cấp rất dễ vi phạm, dễ biến tướng vì vấn đề lợi nhuận "khủng".
Lừa đảo kinh doanh đa cấp là một trong những hình thức lừa đảo khá phổ biến. Đặc biệt, dạng lừa đảo này rất dễ thực hiện khi người tham gia được khuyến khích mời gọi thêm người mới để nhận hoa hồng... Và mức hoa hồng có thể lên tới con số "khủng", nhiều người đã tin vào điều này và ham có cuộc sống kinh doanh an nhàn sau khi đã "vợt" được đủ các "cấp kinh doanh".
Đa cấp biến tướng sẽ trở thành một loại hình kinh doanh giá trị ảo, thay vì tạo ra giá trị thực sự qua sản phẩm hoặc dịch vụ. Thu nhập chủ yếu đến từ việc tuyển dụng người mới. Mặc dù mô hình đa cấp vẫn là mô hình kinh doanh đang chính thức được công nhận, nhưng chúng ta vẫn cần nhận diện và cảnh giác với những dấu hiệu biến tướng, lừa đảo.
Những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Hàng loạt giải pháp đã được triển khai nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho người dân.
Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp.
Được biết, trên cả nước hiện nay có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng tốt từ 10 - 20%/năm, kể cả trong thời gian dịch bệnh.
20 doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp gồm:
1. Công ty TNHH Phong cách sống Kim Cương Việt Nam
2. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam
3. Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam
4. Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt
5. Công ty TNHH GCOOP Việt Nam
6. Công ty TNHH Kyowon The Orm Việt Nam
7. Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội
8. Công ty TNHH Best World Việt Nam
9. Công ty TNHH Elken International Việt Nam
10. Công ty TNHH Người Lái xe Mặt Trời Việt Nam
11. Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam
12. Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam
13. Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam
14. Công ty TNHH Amway Việt Nam
15. Công ty TNHH Thiên sư Việt Nam
16. Công ty TNHH MTV Thương mại Mỹ Lợi
17. Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam
18. Công ty TNHH Seacret
19. Công ty TNHH Oriflame Việt Nam
20. Công ty TNHH Perfect Global (Việt Nam)
Tuy nhiên, lợi dụng sự hấp dẫn và lòng tham của nhiều người tham gia bán hàng đa cấp, các đối tượng xấu trong bán hàng đa cấp đã sinh ra nhiều hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình để lừa đảo. Ngay cả đối với những doanh nghiệp bán hàng đa cấp có số lượng người tham gia đông đảo, cũng bị kẻ gian lợi dụng hình ảnh, uy tín để lừa đảo như Herbalife, Homeway, Oriflame, New Image, Amway…
Bên cạnh đó, theo các cơ quan điều tra, vẫn có hiện tượng doanh nghiệp không giám sát chặt chẽ, để người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm quy tắc hoạt động, vi phạm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động.
Bộ Công Thương, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật hình sự quy định về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng hoặc quy mô mạng lưới tham gia từ 100 người trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.
Thiết nghĩ, trong tình hình diễn biến phức tạp của các loại tội phạm lừa đảo hiện nay, ngành bán hàng đa cấp cũng không nằm ngoài nguy cơ biến tướng, cần mạnh tay siết chặt quản lý đối với hoạt động này, bởi nếu lừa đảo xảy ra sẽ để lại hậu quả nặng nề vì tính lan truyền và hệ thống ảnh hưởng tới nhiều người trong mô hình "đa cấp".
Cơ quan chức năng và người dân cần nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội, từ đó đảm bảo cho người dân được đảm bảo an toàn.