Từ vụ thượng úy công an tát nhân viên trạm dừng nghỉ: Quyền lực đang bị lạm dụng?
Nhiều chuyên gia cho rằng, những vụ lùm xùm liên quan đến cán bộ ngày càng xảy ra nhiều. Dù vậy, ở một xã hội có trật tự, kỷ cương thì sai phạm ở cấp độ nào cũng phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc.
Vụ việc nữ cán bộ Lê Thị Hiền công tác tại Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa bị đề nghị hạ cấp hàm từ đại úy xuống trung úy chưa kịp dịu xuống thì dư luận một lần nữa được chứng kiến hành vi không đẹp từ một thượng úy công an.
Theo đó, vào ngày 10/11, camera tại trạm nghỉ chân Hải Đăng trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ghi lại hình ảnh một cậu bé vào quầy bán hàng lấy đồ ăn, sau khi cậu bé cầm theo gói xúc xích đi ra thì bị nhân viên trạm nhắc chưa thanh toán.
Ngay sau đó, người đàn ông được cho là bố của cậu bé đã có hành vi ném xúc xích vào mặt một nữ nhân viên và xông tới tát vào mặt một nam nhân viên khác.
Khi clip ghi lại sự việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Dư luận càng phẫn nộ hơn khi phát hiện người đàn ông có hành động xấu xí ấy là Thượng úy Nguyễn Xô Việt, hiện đang công tác tại Công an Thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Xem kỹ hình ảnh từ camera ghi lại còn cho thấy, ở nơi công cộng, ông Việt không ngồi vào ghế như những người khác mà ngồi lên con bò mô hình - để trang trí.
Nhưng có lẽ, tội nghiệp nhất là đứa con trai của ông thượng úy công an này. Thật đáng tiếc khi cháu bé phải chứng kiến hành vi xấu xí của bố.
Ông Việt đã vẫy con cầm đồ ăn đi ra khỏi khu bán hàng dù chưa thanh toán. Cậu bé còn quá nhỏ chưa hiểu lý lẽ cũng đã ngập ngừng đứng lại điểm thanh toán nhưng tiếp tục bước qua khi thấy ông bố thượng úy liên tục vẫy tay thúc giục.
Từ sự việc trên, chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên phân tích câu chuyện "giấy rách phải giữ lấy lề". Trong gia đình muốn giáo dục con cái thì cha mẹ nên là hình ảnh đầu tiên để con mình noi theo. Tuy nhiên, người bố này đã mất đi hình ảnh đẹp với con. Một hành động sai của bố sẽ để lại hệ lụy cho con còn nguy hiểm hơn cả việc xử lý ông bố hành hung người khác như thế nào.
Không riêng Thượng úy Việt, Đại úy Hiền và một số người làm việc trong lực lượng bảo vệ pháp luật cũng từng bị lên án về những hành vi xấu xí. Gần đây nhất là phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh. Dù nhiều lần kêu oan, nhưng với căn cứ rõ ràng, cựu cán bộ này vẫn phải chấp hành 1 năm 6 tháng tù về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi".
TS Phan Hùng Sơn (chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm) cho rằng, không ai có thể dùng bất cứ quyền lực nào để có hành vi xấu hoặc bất hợp pháp với người khác. Đặc biệt là những cán bộ làm việc trong cơ quan công quyền, được học hành và đào tạo nghiêm chỉnh thì càng phải ý thức điều này.
Một xã hội có trật tự, kỷ cương là một xã hội mà bạo lực dù ở cấp độ nào cũng luôn phải bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Chỉ có cách ấy mới mong chúng ta có một cộng đồng tiến bộ và hàng ngày, mỗi người dân đều được đối diện với những điều tốt đẹp, bình an.
Chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, những trường hợp như thượng úy tát nhân viên bán hàng hay nữ đại úy công an gây náo loạn sân bay, bản thân họ đều được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nên phải chịu trách nhiệm cá nhân.
"Với những người thiếu sự tu dưỡng, họ luôn luôn nghĩ mình là người nắm quyền lực, muốn làm gì ai thì làm. Cách xử sự của họ làm xấu đi phẩm chất cá nhân, đồng thời cũng làm xấu hình ảnh của ngành. Đương nhiên, người ta sẽ nói đây là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng một ngành có nhiều con sâu như thế thì bản thân những lãnh đạo ngành cần phải suy nghĩ", ông Nhưỡng nhận xét.
Vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng đề nghị: "Ngành công an không nên bưng bít, che đậy những câu chuyện này vì che đậy cũng không được. Những cách hành xử này nó như một thứ u nhọt phải cắt, đừng để dây dưa, hay xử lý nội bộ. Công an tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 1 tháng đối với người này. Đây là quyết định đúng, kịp thời và dư luận đang chờ động thái xử lý tiếp theo từ cơ quan chức năng".