Từ vụ 'vỡ hụi' khiến 100 người dân xứ Thanh lao đao: Chơi hụi thế nào cho an toàn?
Chơi hụi có thể huy động vốn, tiết kiệm tiền nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho tài sản của người chơi. Thậm chí, nếu không trang bị đủ kiến thức và kinh nghiệm, người chơi còn có thể bị vướng vào vòng lao lý.
Nhiều người chơi hụi nhưng không nắm rõ được số người cùng tham gia cũng như khả năng chi trả của người chủ hụi, đến khi họ tuyên bố "vỡ hụi" mới tá hỏa thì đã quá muộn.
Trên thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp nhà tan cửa nát, các vụ giựt hụi, vỡ hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ hay thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đó là những bài học kinh nghiệm mà mọi người cần lưu ý, trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không.
Mới đây, vụ chủ hụi tuyên bố “vỡ hụi” gần 14 tỷ đồng rúng động cả một vùng quê ở tỉnh Thanh Hóa khiến hàng trăm hộ dân đứng trước nguy cơ mất hết tiền.
Khi biết tin, nhiều người đã kéo tới nhà chủ hụi để đòi tiền, nhưng kết quả đều phải trở về tay không khi người này tuyên bố “vỡ hụi”, không còn tiền để trả.
Theo nhiều người chơi hụi, số tiền người dân địa phương góp hụi thực tế lớn hơn con số 14 tỷ đồng rất nhiều. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tế nhị như: Một số người góp có địa vị xã hội, sợ người thân biết hoặc hi vọng sẽ được chủ hụi trả tiền trong những ngày tới nên chưa trình báo cơ quan công an.
Chơi hụi phải tuân thủ các nguyên tắc nào?
Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật cụ thể điểu chỉnh về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là hụi); điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thỏa thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi. Cụ thể những điều này được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự và Nghị định 19/2019 của Chính Phủ.
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 19/2019 quy định về nguyên tắc tổ chức hụi như sau:
Việc tổ chức hụi phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự.
Theo đó, hụi (hay còn gọi là họ, biêu, huê, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Việc tổ chức hụi chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về hụi. Không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Trong nghị định 19/2019 của Chính phủ có quy định cụ thể điều kiện để làm chủ hụi cũng điều kiện để trở thành thành viên như sau:
- Đối với chủ hụi: Chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác; các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.
- Đối với các thành viên: Thành viên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; hoặc các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.
Lãi suất bao nhiêu là phù hợp?
Cũng theo quy định tại nghị định 19/2019 của Chính phủ thì lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.
Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
Trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần họ, trường hợp đến kỳ mở họ mà chủ họ không giao hoặc giao không đầy đủ các phần họ cho thành viên được lĩnh họ, thành viên chưa lĩnh họ không góp phần họ hoặc góp phần họ không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần họ được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả. Nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.
Chủ hụi tuyên bố "vỡ hụi" giải quyết như thế nào?
Vấn đề này sẽ xảy ra 2 trường hợp sau:
Thứ nhất, theo điều 25 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì giải quyết tranh chấp được quy định: Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên, nếu chủ hụi không chịu trả tiền, các bên có thể thương lượng, hòa giải với nhau, nếu không được có thể khởi kiện ra tòa.
Khi khởi kiện cần cung cấp đầy đủ các chứng cứ liên quan đến sự tồn tại của hụi như các bản cam kết, thỏa thuận, văn bản thỏa thuận về hụi được công chứng, sổ họ (nếu có)...
Thứ hai, trong trường hợp chủ hụi có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hình sự quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Mức phạt tù có thể lên đến 20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên.
Căn cứ theo quy định này, nếu chủ hụi có các hành vi bỏ trốn, gian dối để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp khác dẫn đến không còn khả năng chi trả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngoài trách nhiệm pháp lý mà chủ hụi phải gánh chịu trước cơ quan Nhà nước, đối với những thành viên tham gia hụi, thì những tài sản thu được sẽ được xử lý và trả cho các thành viên có quyền lĩnh hụi để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nếu số tài sản thu được không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh hụi theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở hụi; phần không trả đủ sẽ bị coi là rủi ro của những người tham gia.
Chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn
Trước hết, có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm.
Dây hụi thực chất là một vòng tròn mắc xích, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích bị đứt (không đóng tiền hụi) thì sợi dây xích sẽ bị đứt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người chưa hốt hụi. Ràng buộc đến trách nhiệm của người chủ hụi (hay còn gọi là vỡ hụi).
Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức mà những người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi, thật giả lẫn lộn.
Không loại trừ khả năng người chủ hụi, vì mục đích xấu, đã làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi.
Vì vậy, chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước hết, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ qui định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi. Và cần lưu ý những điểm sau:
- Chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà to cửa rộng, vàng vòng phô trương, quan hệ rộng… Mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ hụi.
- Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu? Nguồn thu nhập như thế nào? Phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Có không ít trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng hụi nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi hụi khác.
- Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản quy định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp.
Tóm lại, là như một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi.
- Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.