Từ vụ Xuyên Việt Oil, đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã 'hết phép', hết giá trị sử dụng. Do đó, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tránh nguy cơ hàng nghìn tỷ đồng nằm trong quỹ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả trong khi đây là số tiền do người dân đóng góp thông qua mua xăng dầu.
Lâu nay, việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn luôn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua. Việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt tuần qua liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thì câu chuyện này một lần nữa lại được đưa ra bàn luận.
Chi sử dụng quỹ bình ổn nhỏ giọt
Chiều ngày 13/9, Bộ Tài chính cho biết, trong 34 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với hơn 3.198 tỷ đồng, chiếm hơn 43%.
Một số thương nhân đầu mối khác có số dư Quỹ cao là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (hơn 612 tỷ đồng); Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức (gần 468 tỷ đồng); Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp (hơn 454 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (333,5 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (307 tỷ đồng)…
Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cũng cho thấy, tính đến hết tháng 6/2023, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư 7.424,7 tỷ đồng. Trước đó, số dư quỹ tính đến hết tháng 3/2023 là 5.640,34 tỷ đồng. Số trích quỹ trong quý II là 1.779,2 tỷ đồng và sử dụng quỹ chỉ chưa đầy 6 tỷ đồng.
Mặc dù đang “ôm” hơn 7.000 tỷ đồng, nhưng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại rất nhỏ giọt và không được duy trì trong những thời điểm giá thế giới tăng mạnh. Trong khi về nguyên tắc, Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được chi khi giá xăng dầu tăng.
Việc liên tục trích lập vào quỹ bình ổn trong bối cảnh giảm chi đã khiến cho số dư tăng, do đó, mới đây nhà điều hành quyết định dừng trích lập vào quỹ này theo quy định của Thông tư 103.
Tuy nhiên, sau bảy tháng không chi, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/9, quỹ bình ổn đã được "xả" trở lại. Cụ thể, mức chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5RON92 chỉ 22 đồng/lít và xăng RON95 là 14 đồng/lít và xả quỹ với 27 đồng/lít đối với mặt hàng dầu mazut.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu (gồm dầu hỏa và dầu diesel) tiếp tục tăng nhưng nhà điều hành không xả quỹ trong bốn kỳ liên tiếp gần đây. Nếu tính từ đầu năm đến nay, quỹ bình ổn chỉ "xả" ra một lần duy nhất vào ngày 1/8 ở mức 300 - 400 đồng/lít. Còn với mặt hàng dầu mazut, tổng số tiền được chi trong bốn lần "xả" quỹ từ đầu năm đến nay lên 577 đồng/lít.
Cũng trong kỳ điều hành này, cơ quan quản lý không trích lập với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Liên bộ Công Thương – Tài chính cho rằng, việc hạn chế trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu do lo ngại giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới, tác động từ diễn biến xung đột chính trị - quân sự Nga - Ukraine.
Quỹ bình ổn đang phát sinh những bất cập
Theo các quy định về kinh doanh xăng dầu, nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và được hạch toán, theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Việc chi sử dụng quỹ do nhà điều hành (liên bộ Công Thương – Tài chính) quyết định, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.
Nhưng trên thực tế, việc quản lý và sử dụng quỹ bình ổn đang phát sinh những bất cập, trong đó việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một điển hình, điều này cũng cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hơn 7.000 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu đang nằm tại doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh nguy cơ hàng nghìn tỷ đồng nằm trong quỹ bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả trong khi đây là số tiền do người dân đóng góp thông qua mua xăng dầu.
Thực tế, không phải từ vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil dư luận mới rộ lên kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua, khi xây dựng Luật giá (sửa đổi).
Trong 2 năm qua, rất nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do duy nhất là nó đã "hết phép", hết giá trị sử dụng. Đầu năm 2022, trong tâm thư gửi Bộ Công thương, UBND TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM, nhóm 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu khẳng định Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không hỗ trợ nền kinh tế, không có ích cho người tiêu dùng và gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng kiến nghị bỏ quỹ này để xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường.
Bộ Công thương và Bộ Tài chính đều cho rằng Quỹ bình ổn là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là đúng đắn nhất để xăng dầu có giá sát thị trường, đồng thời để giải phóng nguồn lực cho xã hội.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, Quỹ này thời gian qua có nhiều ý kiến đánh giá hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu thay vì để tiền trong quỹ rồi điều hành như hiện nay.
Ông Phạm Văn Bình, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính là nếu vẫn duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, cần có giải pháp quản lý đồng bộ hơn. Cụ thể, cần quy định rõ hơn vai trò trách nhiệm của ngân hàng với tài khoản doanh nghiệp xăng dầu mở tại đây hoặc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động bán hàng xăng dầu nhằm minh bạch quản lý kinh doanh xăng dầu.
Từ vụ việc của Xuyên Việt Oil, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan quản lý giám sát cần rút kinh nghiệm trong giám sát. Cơ quan chức năng cần hậu kiểm, thay vì chỉ nhận báo cáo từ doanh nghiệp.
“Cơ quan chức năng như Bộ Tài chính cần có biện pháp kiểm tra chặt chẽ việc doanh nghiệp trích tiền vào quỹ bình ổn. Chỉ như vậy mới ngăn nguy cơ doanh nghiệp chây ì, chiếm dụng tiền của quỹ”, ông Long kiến nghị.