Từ vụ Xuyên Việt Oil 'ôm' hàng trăm tỷ, lộ lỗ hổng quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu
Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước quản lý Quỹ BOG bằng biện pháp gián tiếp qua báo cáo bằng văn bản của các thương nhân đầu mối. Đây là cách quản lý lỏng lẻo, chưa hiệu quả, nhiều lỗ hổng.
Những ngày qua, hai nữ Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị khởi tố do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong khi đó, doanh nghiệp bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu từ ngày 11/8 nhưng vẫn chưa nộp lại hàng trăm tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) vào ngân sách Nhà nước.
Dư luận đặt vấn đề về việc quản lý dòng quỹ này khi đây không phải là lần đầu xảy ra trường hợp thương nhân đầu mối xăng dầu "quên" trả lại số tiền giữ hộ dân.
Phóng viên Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá xung quanh vấn đề này.
Cách quản lý Quỹ BOG lỏng lẻo, chưa hiệu quả
Qua sự việc Xuyên Việt Oil "ôm" hàng trăm tỷ tiền quỹ BOG, ông đánh giá ra sao về việc quản lý Qũy BOGhiện nay, đặc biệt là việc thu hồi tiền quỹ từ các doanh nghiệp đầu mối bị thu hồi giấy phép?
Từ khi hình thành Quỹ BOG đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương để ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Gần đây nhất là ban hành Thông tư số 103 (ngày 18/11/2021), hướng dẫn phương thức trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ BOG.
Thông tư này đã quy định khá cụ thể. Theo đó, các thương nhân đầu mối kinh doanh cũng cần có trách nhiệm trích lập; chi sử dụng; báo cáo công khai và quản lý Quỹ BOG.
Mức trích lập, chi sử dụng theo thông báo điều hành của Bộ Công thương. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng Quỹ BOG đúng mục đích.
Nóng: Thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của "ông lớn" Xuyên Việt Oil
Theo quy định tại Nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân phải thực hiện chế độ hạch toán, kết chuyển, báo cáo về Quỹ BOG theo quy định.
Đặc biệt, không sử dụng Quỹ BOG để cấp vốn kinh doanh, hoặc sử dụng cho mục đích khác.
Đồng thời, còn quy định rõ: Đối với trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh bị thu hồi giấy phép, thì ngay khi có quyết định hoặc thông báo của Bộ Công thương, thương nhân đầu mối phải có quyết định chuyển toàn bộ Quỹ BOG vào ngân sách Nhà nước.
Như vậy, có thể khẳng định, việc "quên" trả lại quỹ của những thương nhân đầu mối nêu trên là do cố tình không thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý quỹ.
Tuy nhiên, không thể loại trừ nguyên nhân nằm ở công tác quản lý quỹ của cơ quan quản lý Nhà nước đã có những bất cập, nên mới để xảy ra những hành vi cố tình vi phạm của thương nhân đầu mối.
Những bất cập đó là gì, thưa ông?
Chúng ta phải xác định BOG là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước mới có thẩm quyền quyết định việc trích, lập (qua giá) của các tổ chức, cá nhân tiêu dùng xăng dầu, để rồi sử dụng nó để bình ổn cho chính họ và cho nền kinh tế.
Quỹ này của Nhà nước và được đặt tại thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối chỉ là "công cụ" của Nhà nước thực hiện đúng, đủ các quyền quyết định đó của Nhà nước.
Như vậy, rõ ràng, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ấy phải quản lý trực tiếp dòng tiền của quỹ này, nhưng hiện nay cơ quan quản lý Nhà nước quản lý bằng biện pháp gián tiếp qua báo cáo bằng văn bản của các thương nhân đầu mối (quản lý qua giấy). Điều này có thể đánh giá, cách quản lý Quỹ BOG lỏng lẻo, chưa hiệu quả.
Cần theo dõi "di biến động" dòng tiền bằng công nghệ thông tin
Thực tế, có ý kiến phản ánh việc quản lý số tiền thực còn trong quỹ cũng khá khó khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể rút ra để đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác. Quỹ càng lớn, lợi nhuận cho doanh nghiệp càng lớn khi có thể "mượn tạm" để làm vốn kinh doanh, không phải vay ngân hàng. Cách nào kiểm soát tình trạng này, thưa ông?
Chúng ta cần nhất quán với nhau là phải đưa ra những biện pháp quản lý quỹ chứ không phải can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh của các thương nhân đầu mối.
Với lỗ hổng trên, cần cải tiến cách quản lý hiện nay bằng cách kết hợp giữa quản lý gián tiếp và quản lý trực tiếp dòng tiền của Quỹ BOG, để "căn bệnh" tiêu cực trên không "di căn" thêm nữa.
Quản lý gián tiếp là vẫn kiểm soát việc trích lập, sử dụng quỹ của thương nhân đầu mối thông qua các báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành.
Song song đó, phải xây dựng cơ chế quản lý hàng ngày để kiểm soát những "di biến động" dòng tiền của quỹ thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin kết nối với thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ BOG và kết nối với ngân hàng thương mại.
Mặt khác, kết hợp biện pháp kiểm tra, thanh tra thường xuyên trực tiếp tại doanh nghiệp về kết quả thực hiện trích lập, sử dụng quỹ để đối chiếu với các báo cáo bằng văn bản để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Trách nhiệm để thất thoát quỹ thuộc về ai?
Nếu để xảy ra tình huống doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chiếm dụng, chiếm đoạt nguồn quỹ, nguồn thuế, theo ông, trách nhiệm chính thuộc ai? Cần bịt lỗ hổng này ra sao?
Quy định của Thông tư số 103 nêu rõ: Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với việc hoàn thiện thực hiện trích lập chi sử dụng báo cáo, quản lý Quỹ BOG xăng dầu.
Nhưng đáng tiếc, quy định trách nhiệm đối với cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa rõ cơ quan nào quản lý chính, cơ quan nào phối hợp trong việc quản lý quỹ này.
Bởi lẽ, các quy định của thông tư đều được hiểu là: hai bộ cùng nhận báo cáo của thương nhân đầu mối gửi về theo định kỳ và cùng quản lý gián tiếp đặt tại thương nhân đầu mối.
Tôi nghĩ, cần xác định lại trách nhiệm của cơ quản lý Nhà nước là chỉ nên giao tập trung đầu mối quản lý cho một cơ quan: Từ các quyết định trích lập, chỉ sử dụng, đến kiểm soát quản lý thực tế kết quả trích lập chi sử dụng…
Nên bỏ hay giữ lại Quỹ BOG?
Thời gian qua, có thời điểm giá xăng, dầu tăng liên tiếp (từ kỳ ngày 3/7-5/9), nhưng liên bộ "quyết không xả" quỹ khiến giá xăng RON 95 lên ngưỡng 25.000đồng/lít và dầu diesel cao hơn 23.000 đồng/lít. Đây là mức giá khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang tổn thương, ông thấy gì qua cách điều hành?
Hiện nay, đã có quy định cụ thể về việc trích lập và chi quỹ khi giá cơ sở xăng dầu trong kỳ công bố biến động so với giá cơ sở kỳ trước liền kề.
Thu hơn 1.700 tỷ đồng Quỹ Bình ổn xăng dầu, nhưng chi chưa đến 6 tỷ
Tuy nhiên, tôi đã góp ý nhiều lần rằng, các quy định đó tính minh bạch chưa cao, đặc biệt là chưa "ăn khớp" với quy định về bình ổn giá của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn Luật Giá, nên dư luận lâu nay vẫn chưa thật đồng thuận.
Thực tế thời gian vừa qua, nhà điều hành sai lầm khi chi và sử dụng quỹ chưa linh hoạt, dẫn đến những bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá.
Một số chuyên gia thẳng thắn chê việc điều hành Quỹ BOG không hiệu quả và kiến nghị nên bỏ quỹ này, ý kiến của ông là gì?
Quan điểm hiện nay của tôi là không! Hiện thị trường đang nửa vời, thì vẫn cần quỹ BOG và quỹ này vẫn do nhà nước quản lý gián tiếp "mềm" như hiện hành.
Tuy nhiên, sẽ nên bỏ khi chúng ta hoàn toàn thực hiện cơ chế "tự do hóa" giá xăng dầu. Lúc đó, chúng ta thực hiện bình ổn giá xăng dầu thông qua biện pháp điều hòa cung - cầu, công cụ thuế, vốn và lãi suất.
Như vậy, để Quỹ BOG hoạt động hiệu quả, theo tôi, các quy định trên cần được sửa đổi các làm sao để bảo đảm tính phối hợp liên thông cả trích lập, chi sử dụng quỹ.
Đồng thời, tránh cả việc chủ quan không hợp lý trong việc chi sử dụng quỹ.
Cụ thể, theo tôi, nên quy định, chỉ áp dụng mức trích quỹ khi giá cơ sở của kỳ thông báo thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề; không trích lập quỹ khi giá cơ sở kỳ thông báo cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề để tránh giá xăng dầu đã tăng lại bị tăng hơn do trích lập quỹ.
Khi giá xăng dầu kỳ thông báo cao hơn kỳ trước liền kề cần phải áp dụng biện pháp chi sử dụng Quỹ BOG.
Lúc đó, cơ quan quản lý phải ban hành thông báo công khai, rộng rãi là: Nhà nước áp dụng các biện pháp chi Quỹ BOG. Áp dụng có thời hạn cho đến khi giá cơ sở xăng dầu về mức bình thường, hoặc giảm. Lúc đó, cơ quan quản lý sẽ phải ban hành thông báo bãi bỏ các biện pháp bình ổn xăng dầu.