Từ 'xung đột lợi ích' mua sắm vật tư thiết bị y tế đến chuyện giám sát hoạt động đấu thầu

Những buổi tiệc linh đình của Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc như 'giọt nước tràn ly' trong chuyện 'xung đột lợi ích' ở khâu đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị y tế. Không chỉ vậy, trước các vấn đề đảm bảo công bằng, minh bạch, lành mạnh hóa đấu thầu, giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách nhà nước thì việc ai sẽ giám sát hoạt động đấu thầu cho thật hiệu quả cũng là một câu hỏi lớn.

Xoay quanh những buổi tiệc tổ chức linh đình, xa xỉ của Câu lạc bộ Giám đốc CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) miền Bắc nhằm chia tay nghỉ hưu đối với ông Ninh Văn Chủ, nguyên Giám đốc CDC Quảng Ninh, nhiều ý kiến mỉa mai rằng không có bữa tiệc nào là miễn phí cả!

Góc khuất sau những bữa tiệc

Quan sát chuyện này thông qua truyền thông, ông Nguyễn Tân Tiến (trú Tp.HCM) nói: “Chắc chắn đó không phải tiền từ ngân sách nhà nước chi ra, mà nguồn chi ra chỉ có thể là các doanh nghiệp (DN) đối tác, bạn hàng của các giám đốc CDC đó”.

Nhìn vào chuyện tiêu cực trong mua sắm vật tư thiết bị y tế với hàng loạt các cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý do vi phạm về đấu thầu, điều mà dư luận mong muốn chính là khâu giám sát hoạt động đấu thầu cần tiếp tục có những cải tiến hiệu quả hơn.

Nhìn vào chuyện tiêu cực trong mua sắm vật tư thiết bị y tế với hàng loạt các cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý do vi phạm về đấu thầu, điều mà dư luận mong muốn chính là khâu giám sát hoạt động đấu thầu cần tiếp tục có những cải tiến hiệu quả hơn.

Đơn cử như bữa tiệc chia tay của Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc được tổ chức trên 2 chiếc du thuyền sang trọng bậc nhất Quảng Ninh, theo ông Tiến, chính báo chí đã nêu rằng người dẫn chương trình cho biết bữa tiệc được đồng tổ chức bởi Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc và CDC Quảng Ninh kết hợp với Tập đoàn Đức Minh. Trong đó, ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc CTCP Y tế Đức Minh, cũng tham dự.

Và ông Tiến nhấn mạnh, một khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những buổi tiệc linh đình này thì nên điều tra từ phần “gốc” là các gói thầu mua sắm vật tư thiết bị y tế (đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19) của các thành viên Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc.

“Hãy kiểm tra các gói thầu của các CDC miền Bắc trong vài năm lại đây xem sao? Dư luận có quyền đặt dấu hỏi là các CDC miền Bắc đã ban cho đối tác cái gì trong bao năm qua từ những gói thầu mua sắm vật tư thiết bị y tế, và lãnh đạo những CDC này đã nhận lại được những gì. Việc có những bữa tiệc như vậy chỉ là phần nổi của tảng băng”, ông Tiến nói.

Riêng thông tin về CTCP Y tế Đức Minh, hồi tháng 2/2022, DN này đã phải lên tiếng phân trần sau khi Tổng cục Hải quan hé lộ về giá trị và số lượng “khủng” kit test của họ nhập về trong 2 năm 2020-2021 là 3.437 tỷ đồng.

Ngoài ra, dư luận cũng từng đặt dấu hỏi: Nhờ đâu mà CTCP Y tế Đức Minh trong giai đoạn 2016 - 2021 đã thắng các gói thầu y tế với tỷ lệ đến 96%? Cụ thể là trong giai đoạn này, DN đã tham gia 291 gói thầu và trúng đến 260 gói thầu, 20 gói thầu chưa có kết quả, và chỉ trượt 12 gói thầu.

Bên cạnh lùm xùm từ những bữa tiệc nêu trên và có hơi hướm “bàn tay” của DN đối tác, nếu nhìn vào những sai phạm của hàng loạt lãnh đạo CDC ở vụ Việt Á trong thời gian qua sẽ thấy một số cán bộ quản lý mua sắm trang thiết bị y tế có suy nghĩ khá sai lầm, đơn giản về vấn đề “nhận tiền hoa hồng, tiền bồi dưỡng” từ phía DN trúng các gói thầu.

Cần giám sát của tổ chức xã hội?

Từ đó để thấy, việc “đi lại, ở khách sạn hoặc ăn uống, tiệc tùng linh đình được cung cấp bởi một nhà tài trợ cho tất cả những người tham gia” như trường hợp của Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc là cả một sự “xung đột lợi ích” nếu xét về tính minh bạch, lành mạnh trong việc đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị y tế.

Qua tìm hiểu của VnBusiness với một DN tham gia đấu thầu mua sắm công thì thấy rằng, việc DN tài trợ cho các buổi tiệc và tặng quà cho những cán bộ có tiếng nói “quyết định” đều chứa đựng trong đó yếu tố hối lộ nhằm giúp cho DN trúng các gói thầu.

Thậm chí, trong “hậu trường” đấu thầu, nhiều DN coi việc tặng quà và tài trợ các buổi ăn uống, kể cả việc tổ chức các chuyến đi du lịch trong và ngoài nước… cho một số cán bộ nhà nước là chuyện phổ biến, là hoạt động bình thường, cần thiết cho DN để “bôi trơn”.

Cho nên, nhìn vào chuyện tiêu cực trong mua sắm vật tư thiết bị y tế với hàng loạt cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý do vi phạm về đấu thầu, quản lý giá thuốc, quản lý công tác đấu thầu, điều mà dư luận mong muốn chính là ở khâu giám sát hoạt động đấu thầu cần tiếp tục có những cải tiến hiệu quả hơn.

Chẳng hạn như mới đây, khi góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thời gian gần đây có tiến hành khảo sát các đối tượng là nhà thầu, bên mời thầu, các cơ quan có chức năng giám sát xã hội để đánh giá hệ thống đấu thầu mua sắm công.

Và theo kết quả khảo sát, đối với vấn đề giám sát hoạt động đấu thầu, có hơn 57% bên mời thầu cho rằng cần thiết phải có tổ chức xã hội giám sát trong hoạt động đấu thầu, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động này.

Theo đó, tổ chức giám sát xã hội trong hoạt động đấu thầu có thể là hiệp hội DN, cơ quan báo chí, các cơ quan đại diện cho nhóm yếu thế (hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội người khuyết tật).

Cũng theo VCCI, khi hỏi ý kiến các tổ chức giám sát xã hội về hoạt động giám sát trong hoạt động đấu thầu, phần lớn các tổ chức này đều cho rằng sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội trong hoạt động đấu thầu là cần thiết, đặc biệt ở giai đoạn “tổ chức lựa chọn nhà thầu”.

Trong khi đó, trong bản Dự thảo nêu trên dù có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu, tuy nhiên hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện (khoản 3 Điều 85) mà không có sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội. Cho nên, như lưu ý của VCCI, sự tham gia của tổ chức giám sát xã hội sẽ đảm bảo tốt hơn, minh bạch hơn đối với hoạt động đấu thầu.

Có thể nói, nếu vai trò của tổ chức giám sát xã hội được thực thi hiệu quả trong Luật Đấu thầu (sửa đổi), chẳng hạn như đánh mạnh vào “hậu trường” của các cuộc dàn xếp đấu thầu, thì những góc khuất đằng sau các bữa tiệc xa hoa (như trường hợp ở Câu lạc bộ Giám đốc CDC miền Bắc) có khi sẽ có điều kiện lộ rõ hơn. Từ đó sẽ giúp cho cơ quan bảo vệ pháp luật đưa hoạt động đấu thầu đi vào khuôn khổ với sự công bằng, lành mạnh và minh bạch, giảm thiểu được thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/tu-xung-dot-loi-ich-mua-sam-vat-tu-thiet-bi-y-te-den-chuyen-giam-sat-hoat-dong-dau-thau-1087175.html