Từ ý chí người đứng đầu đến cơ hội vàng của dân tộc

Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó đoán định, tư duy quản trị quốc gia hiện đại - linh hoạt - hiệu quả đang trở thành yêu cầu sống còn đối với mọi chính phủ. Việt Nam không nằm ngoài xu thế ấy. Sự chuyển biến rõ nét trong cách chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương thời gian qua, đặc biệt với phong cách điều hành quyết liệt, thực chất và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm, đang hé mở một giai đoạn cải cách mạnh mẽ và toàn diện trong tư duy quản trị quốc gia.

Ngay từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã thể hiện một phong cách lãnh đạo trực diện, không né tránh và đặt hiệu quả thực chất lên hàng đầu. Trong các chỉ đạo mới đây về phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, phát triển kinh tế vùng, tinh giản bộ máy… Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh đến việc "làm đến nơi đến chốn", "không để lợi ích nhóm lũng đoạn chính sách", và "chống tư duy nhiệm kỳ". Tinh thần xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” - một tư tưởng hiện đại, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Một chuyển biến đáng chú ý là sự thay đổi từ cách tiếp cận quản lý sang phục vụ, từ áp đặt sang đối thoại, từ hành chính sang kiến tạo. Các thủ tục hành chính được tinh giản, quy trình cắt giảm, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh. Các chỉ đạo không còn chung chung, mà đi thẳng vào “nút thắt” như thể chế, nhân lực, đầu tư công, phân cấp địa phương, trách nhiệm người đứng đầu.

Hàng loạt quyết sách cụ thể đang được thực hiện: sửa đổi luật đầu tư - kinh doanh, bỏ hàng trăm điều kiện không hợp lý; đẩy mạnh phân quyền, chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước. Đây không còn là những lời hô hào cải cách, mà là hành động thực chất với mục tiêu rõ ràng.

Sau Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII), tinh thần “vươn mình” của dân tộc đã trở thành kim chỉ nam hành động. Tổng Bí thư Tô Lâm không dừng lại ở chủ trương, mà đưa ra những quyết sách cụ thể, có tác động ngay lập tức.

Ví dụ, chính sách miễn học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT từ năm học 2025 - 2026 đã tạo làn sóng phấn khởi trong toàn dân. Hay kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, giảm số lượng xã để tinh gọn bộ máy - đều là các quyết sách táo bạo.

Đặc biệt, câu hỏi “Liệu có thể miễn viện phí toàn quốc vào năm 2030 không?” do Tổng Bí thư đặt ra không phải chỉ để suy ngẫm, mà như một mệnh lệnh chính trị. Đây là tư duy kiến tạo mạnh mẽ: dám nghĩ điều lớn, dám làm điều khó, đặt quyền lợi người dân làm trọng tâm. Đó là biểu hiện rõ nét của một nhà lãnh đạo hành động, quyết liệt và phụng sự.

Tinh thần đổi mới đang lan tỏa đến từng địa phương, trong đó TP.HCM là minh chứng rõ rệt. Tân Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Nguyễn Văn Được - thể hiện rõ tư duy cải cách qua phát biểu: “Phải thay đổi tư duy 'xin - cho' thành tư duy hỗ trợ chủ động. Nếu tiếp tục coi doanh nghiệp là người đi xin, chúng ta sẽ mất họ”.

Ông Được kêu gọi toàn bộ hệ thống chuyển từ “hành chính” sang “hành động”, từ “quản lý” sang “hỗ trợ”. Từng sở, ngành phải chủ động đề xuất cơ chế, vận dụng linh hoạt tiền lệ để giải quyết vấn đề. Quan trọng hơn, lãnh đạo TP sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu Thành phố không đạt mục tiêu, điều hiếm thấy trong văn hóa hành chính lâu nay.

Trên thế giới, hình ảnh Tổng thống Donald Trump cũng tạo ra làn sóng tranh luận mạnh mẽ khi đưa ra hàng loạt quyết sách táo bạo: cắt giảm 7 cơ quan liên bang, giải thể Bộ Giáo dục Mỹ với lý do “tiêu tốn ngân sách nhưng không hiệu quả”.

Dù gây tranh cãi, không ai phủ nhận ông Trump thể hiện rõ nét tư duy lãnh đạo thực dụng và quyết đoán. Đó là tinh thần cải tổ: Cái gì cũ, lỗi thời, không hiệu quả - cần phải dám thay đổi.

Từ đó nhìn lại Việt Nam, điểm mấu chốt là tư duy - ý chí - hành động của người đứng đầu. Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo chủ chốt đang truyền cảm hứng cải cách thực sự, dám đụng vào những điều nhạy cảm, vượt qua sức ì của bộ máy và sự phản kháng của thói quen trì trệ.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để thực hiện một cuộc cải cách không chỉ về thể chế, hành chính mà là cải cách văn hóa lãnh đạo - văn hóa phục vụ. Tư duy quản trị quốc gia mới chính là linh hồn của cuộc cách mạng ấy.

Nếu tiếp tục duy trì tinh thần hành động, quyết liệt như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa giấc mơ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI - không bằng những khẩu hiệu, mà bằng hiệu quả thực chất, bằng sự thay đổi tận gốc cách thức quản trị và vận hành nhà nước.

Khi người đứng đầu đã thay đổi, cả hệ thống sẽ không thể đứng yên.

Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tu-y-chi-nguoi-dung-dau-den-co-hoi-vang-cua-dan-toc-317001.html