Tự ý lấy tài sản của người khác, bị xử lý ra sao?
Trước thực trạng có nhiều người ở trọ nợ tiền phòng để lại một số vật dụng sinh hoạt như: tivi, tủ lạnh, bếp gas... rồi lẳng lặng khóa cửa bỏ đi, chủ nhà trọ xử lý bằng cách lấy tài sản này đem bán hoặc cho người khác nhằm trừ nợ. Đến khi người ở trọ quay lại đòi tài sản hai bên đã xảy ra tranh chấp.
Luật sư Ngô Văn Định, Hội Luật gia tỉnh cho hay, người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó, cách xử lý của chủ nhà trọ như trên là trái pháp luật.
* Phải bồi thường
Ông N.T. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) trình bày, tháng 2-2020, ông về quê, có nợ của chủ phòng trọ 2 tháng tiền nhà (2 triệu đồng) hứa khi vào sẽ trả đủ và tiếp tục ở trọ. Do vào trễ hơn 1 tháng, chủ nhà trọ tưởng ông trốn nợ nên dọn phòng cho người khác thuê. Đồng thời, chủ nhà trọ đã cho, bán ve chai tất cả những vật dụng sinh hoạt mà ông để lại như: tivi, tủ lạnh, bếp và bình gas, quạt máy...
Ngày vào lại, ông T. té ngửa khi chủ nhà trọ thông báo, đồ đạc của ông xem như được bà trừ vào tiền phòng đã nợ. “Tất cả vật dụng sinh hoạt tôi mua sắm hiện giá trị không cao vì đã qua sử dụng nhưng nếu mua mới phải trên 20 triệu đồng. Trong khi tôi chỉ nợ có 2 triệu đồng nên tôi không chịu cấn nợ vì thấy không hợp lý” - ông T. nói.
Tương tự là trường hợp của bà B.Y. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), ông V.P. (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) rời phòng trọ mà không thông báo cho chủ nhà trọ (trốn nợ tiền phòng), một thời gian sau quay lại đòi đồ đạc. May sao, những vật dụng trên không có giá trị lớn nên đôi bên thỏa thuận bằng cách chủ nhà trọ đồng ý hỗ trợ người ở trọ một số tiền nhỏ nhằm tránh thưa kiện, phiền phức.
Luật sư Ngô Văn Định cho biết: “Pháp luật dân sự công nhận quyền tài sản của mỗi người và ngăn cấm việc tự ý đem cho hoặc bán tài sản của người khác khi chưa có sự đồng ý, thỏa thuận của họ. Do đó, việc chủ nhà trọ tự ý bán, cho hoặc làm mất tài sản của người thuê trọ trái pháp luật thì phải bồi thường”.
* Quyền tài sản được bảo vệ
Trao đổi với chúng tôi, luật gia Lê Văn Nhân, Hội Luật gia tỉnh cho biết, những tình huống trên ông gặp rất nhiều trong quá trình tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân. Cụ thể như trường hợp của ông B.V.V. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán). Ông V. gửi xe máy ở nhà trọ để về quê. Chiếc xe máy trên bị con của chủ nhà trọ lấy đi chơi và làm mất. Ông V. yêu cầu chủ nhà trọ bồi thường nhưng chủ nhà trọ trả lời, họ chỉ nhận giữ giùm còn mất mát thì không chịu trách nhiệm.
Luật gia Lê Văn Nhân cho hay, việc trả lời của chủ nhà trọ như vậy là sai. Bởi lẽ, theo Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên dù là giao kết bằng lời nói (hợp đồng miệng). Cho nên, bên nhận giữ tài sản phải có trách nhiệm bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho người gửi, nếu xảy ra mất mát phải chịu trách nhiệm bồi thường.
“Khoản 4, Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại khi làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. Do đó, ông V. và chủ nhà trọ tự thỏa thuận với nhau về mức, cách thức bồi thường thiệt hại nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết” - luật gia Nhân nhấn mạnh.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản (Điều 194). Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật (Điều 195).
Do đó, theo luật gia Lê Văn Nhân, có một số trường hợp, hành vi xâm phạm quyền tài sản, sở hữu tài sản của người khác còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như: tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015), sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.