Tự ý lấy tiền và xe máy là tài sản chung của vợ, chồng không phạm tội trộm cắp tài sản
Bạn đọc hỏi: Tôi năm nay 27 tuổi, mới lập gia đình và chưa có công việc gì. Còn chồng tôi, trước làm lái xe giờ nghỉ ở nhà chăn nuôi. Do không muốn 'ăn bám', trong khi chồng cứ bắt phải ở nhà nên tôi đã tự ý lấy chiếc xe máy và 3 triệu đồng (mẹ chồng cho khi cưới) để có tiền sinh hoạt trong lúc lên thành phố xin việc làm. Như vậy, tôi có phải là đã phạm tội trộm cắp tài sản của chồng và mẹ chồng không? Nguyễn Thị Mười (Thanh Hóa)
Luật sư trả lời:
Tôi không rõ vì lý do gì mà bạn lại có thắc mắc như vậy, do chồng bạn hay mẹ chồng bạn nói với bạn đó là hành vi trộm cắp hay vì một lý do nào khác khiến bạn cảm thấy lo lắng như vậy? Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý chúng tôi cứ xin nêu ra quan điểm của mình để bạn tham khảo.
Cụ thể là về chiếc xe máy, do bạn không nói rõ đây là xe đăng ký tên bạn, tên chồng hay của mẹ chồng và bạn lấy chiếc xe đó để sử dụng vào mục đích gì. Trường hợp nếu bán chiếc xe máy đó thì số tiền thu về bạn dùng để làm gì… Do đó, rất khó để tư vấn cho bạn một cách chính xác, đầy đủ. Chúng tôi chỉ có thể đặt ra giả thuyết theo các tình huống như sau.
- Tình huống thứ nhất: Chiếc xe máy đó của chồng bạn hoặc của mẹ chồng bạn. Bạn lấy chiếc xe đó mang đi bán mà không được sự cho phép của chồng bạn hoặc của mẹ chồng bạn, rồi sau đó bạn sử dụng tiền bán xe vào mục đích cá nhân. Rơi vào trường hợp này thì việc bạn lấy chiếc xe máy có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản”, theo Điều 173, Bộ luật Hình sự. Theo đó, điều luật này quy định: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; Tài sản là di vật, cổ vật”. Như vậy, nếu chiếc xe máy bạn lấy có trị giá trên 2.000.000 đồng, bạn có thể bị xử lý về tội danh này.
- Tình huống thứ hai: Chiếc xe máy đó của bạn. Bạn chưa có thỏa thuận với chồng về việc đây là tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp này bạn hoàn toàn có quyền định đoạt chiếc xe máy đó mà không bị pháp luật xử lý về tội danh nào liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu.
Còn về số tiền 3.000.000 đồng, đây là tiền mẹ chồng bạn cho riêng bạn. Theo quy định tại khoản 1, Điều 43, Luật Hôn nhân và Gia đình: “Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”. Như vậy số tiền 3.000.000 đồng mẹ chồng cho riêng bạn là tài sản riêng của bạn.
Ngoài ra, khoản 1, Điều 44, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung”. Do số tiền 3.000.000 đồng là tài sản riêng của bạn nên bạn có thể sử dụng theo ý mình mà không cần phụ thuộc vào ý kiến của chồng hay mẹ chồng. Nói cách khác bạn không có hành vi trộm cắp tài sản khi sử dụng số tiền 3.000.000 đồng này. Tuy nhiên trên quan điểm của chúng tôi, dù là tài sản riêng, dù pháp luật không buộc bạn phải xin ý kiến chồng khi bạn định đoạt tài sản riêng của bạn, bạn vẫn nên trao đổi với chồng về ý định của mình khi sử dụng tài sản riêng. Điều đó thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho chồng, cho gia đình nhà chồng và nó có lợi cho cuộc sống hôn nhân của bạn.