Tự ý tiêm bổ não, coi chừng hậu quả

'Có thể phòng các bệnh như đột quỵ, tiền đình, tai biến mạch máu não, ung thư….' là những lời quảng cáo 'có cánh' của các cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm thuốc bổ não. Nhưng sự thật có đúng như vậy?

Tiêm bổ não với lời đồn chữa "bách bệnh"

Không chỉ có người già, sau đại dịch Covid-19, người chưa già cũng đổ xô đi tiêm để khắc phục triệu chứng nhớ nhớ quên quên. Trước kỳ thi đại học, học sinh, sinh viên cũng thực hiện vài liệu trình tiêm bổ não để tăng cường trí nhớ.

Không khó để PV VOV2 tiếp cận các dịch vụ tiêm thuốc bổ não tại nhà. Chỉ cần một cuộc cần một cuộc điện thoại và những lời tư vấn chóng vánh, ngay sau đó sẽ có người đến tiêm ngay tại nhà.

Với giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/mũi tiêm bao gồm cả thuốc, các nhân viên đều cam kết là “bảo đảm chất lượng”, “rất an toàn” vì họ đã có nhiều khách hàng quen.

Chị Nguyễn Thu Hà sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, 3 năm nay, chị thường xuyên sử dụng dịch vụ tiêm thuốc bổ não tại nhà cho bố mẹ. Mỗi năm 2 đợt tiêm, mỗi đợt 10 ống thuốc.

“Tiêm là để lưu thông tuần hoàn máu não, phòng ngừa các bệnh alzheimer, tăng cường trí nhớ”, chị Hà chia sẻ.

Chị cũng nghe nói đây cũng là biện pháp để phòng ngừa tai biến mạch máu não trong khi bố mẹ đều bị huyết áp cao, nên chị lại càng cẩn thận không bỏ qua bất cứ đợt tiêm nào.

“Tôi thấy triệu chứng đau nửa đầu, hoa mắt chóng mặt của bố mẹ có vẻ thuyên giảm. Mọi người cũng nói là tiêm hấp thụ nhanh hơn uống”, chị Hà bày tỏ.

Nếu không sử dụng dịch vụ tiêm trọn gói tại nhà, còn một cách khác đó là tự mua thuốc và tự tiêm.

Bà Vũ Tuyết Nhung sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ngoài 70 tuổi. Bà cho biết, thường tiêm 2 loại nhưng cụ thể tên thuốc thì bà không nhớ.

“Cứ ra hiệu thuốc lớn họ chỉ cho tận tình lắm. Chỉ cần nói là thuốc bổ não thôi là được. Xung quanh chỗ tôi ông bà nào cũng tiêm bổ não, có ông bị tai biến năm nào cũng tiêm, 4-5 năm nay rồi”, bà Nhung nói.

Tại một số cửa hàng bán thuốc, PV VOV2 cũng được giới thiệu có đến 5-7 loại thuốc bổ não khác nhau, trong đó có những loại được cho là dùng phổ biến trong bệnh viện.

Người bán hàng cũng khẳng định đây không phải là thuốc gì ghê gớm mà chỉ là thuốc bổ phòng ngừa hoa mắt, chóng mặt và là loại thuốc “kê đơn” tức là phải có chỉ định của bác sỹ.

Thế nhưng, đó chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế cứ 110.000 đồng/ ống thuốc, mua bao nhiêu cũng có.

Sau nhiều lần tiêm bổ não tại nhà chưa thấy vấn đề gì và ai cũng nghĩ: vậy là ổn.

Tự tiêm bổ não tiềm ẩn nhiều nguy cơ

TS.BS Mai Đức Thảo, trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị khẳng định, việc làm này chứa nhiều rủi ro.

“Có những loại thuốc chưa được cấp phép lưu hành, chưa được kiểm chứng, chưa có nghiên cứu về an toàn. Và một số trang mạng đã nói quá mức về tác dụng của thuốc đối với các bệnh về não”, bác sỹ Mai Đức Thảo cho biết.

BS Thảo phân tích: khi sử dụng những sản phẩm thuốc không chính thống và không theo chỉ định của bác sỹ sẽ khiến người dân gặp rủi ro, bởi không ai biết thuốc đó tác dụng thế nào, liều lượng, cách dùng ra sao. Ngoài ra, việc tiêm cũng có thể xảy ra tai biến như nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, sốc phản vệ, do đó không thể tùy tiện tiêm tại nhà hay tự tiêm.

“Đặc biệt vấn đề tương tác thuốc. Nếu người bệnh đang suy thận, xuất huyết não mà tiêm thuốc bổ não thì là tuyệt đối không được tiêm. Thế nhưng, đa phần người tiêm hiện nay là các cụ già, có nhiều bệnh lý nền thì làm sao có thể tiêm được”, bác sỹ Mai Đức Thảo nhấn mạnh.

Và khi tiêm bổ não, một số trường hợp sẽ làm chậm quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh nếu như người đó mắc u não, xuất huyết não hay viêm não.

Theo bác sỹ Mai Đức Thảo, để chỉ định bổ sung thuốc các bác sỹ đều phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ngoài ra, việc dự phòng các bệnh lý về thần kinh như sa sút trí tuệ, đau đầu, hoa mắt chóng mặt…. không phải chỉ dự phòng bằng thuốc mà là phải giảm yếu tố nguy cơ như rối loạn giấc ngủ.

“Phòng sa sút trí tuệ mà uống café, rượu, thuốc lá rồi lại đi tiêm bổ não thì làm sao mà hiệu quả được. Rối loạn giấc ngủ không điệu trị, u não, tai biến không đi khám chẩn đoán mà cứ chỉ đi tiêm bổ não thì rất nguy hiểm”, bác sỹ Thảo dẫn chứng.

Cùng với việc bổ sung thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, an toàn, tránh các chất kích thích và tập thể dục thường xuyên để giữ gìn sức khỏe toàn thân nói chung và sức khỏe trí não nói riêng.

Thanh Phượng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/tu-y-tiem-bo-nao-coi-chung-hau-qua-post1104147.vov