Từ ý tưởng phát triển công nghiệp điện ảnh

Với vị thế và đặc thù về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa riêng có, tỉnh Ninh Bình mong muốn phát triển công nghiệp điện ảnh và sẽ phấn đấu trở thành một trong những trung tâm điện ảnh của cả nước. Đây là ý tưởng rất lớn, rất mới, đồng thời phù hợp với Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình làm việc với Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam để tham vấn trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Ảnh Minh Quang

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình làm việc với Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam để tham vấn trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Ảnh Minh Quang

Theo Quyết định trên, mục tiêu của Ninh Bình "đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng Sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á...".

Thực hiện mục tiêu đó, Ninh Bình xác định lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn cho chiến lược phát triển trong tương lai. Trong công nghiệp văn hóa, tập trung phát triển công nghiệp điện ảnh là phim trường và các tác phẩm điện ảnh làm tiền đề cho các yếu tố khác và hỗ trợ hoạt động du lịch.

Để hiện thực hóa ý tưởng này, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã có buổi là việc với Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam để tham vấn trong việc phát triển công nghiệp điện ảnh. Có người đã từng nói, mọi việc nên bắt đầu từ ý tưởng. Có ý tưởng sẽ có ước mơ, khát vọng và tất nhiên là con người sẽ tìm ra cách hiện thực hóa ước mơ, khát vọng đó.

Với một tỉnh sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sản xuất công nghiệp nhỏ bé, lạc hậu, ai dám nghĩ đến Ninh Bình sẽ là một trung tâm sản xuất ô tô lớn của cả nước? Thế nhưng, bằng quyết tâm và các chính sách thu hút đầu tư cụ thể, giờ đây, Ninh Bình đã biến giấc mơ thành sự thật với Tập đoàn ô tô Hyundai Thành Công ở Khu công nghiệp Gián Khẩu...

Hơn 30 năm trước, sau những ngày mới tái lập tỉnh (tháng 4/1992), người lạc quan nhất cũng không bao giờ nghĩ tới Ninh Bình sẽ là tỉnh tự cân đối được thu-chi ngân sách Nhà nước và có điều tiết về Trung ương. Đến năm 2022, Ninh Bình đã làm được điều đó. Hoặc như chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu, có những thời điểm, chúng ta ước mong làm sao Ninh Bình đạt và vượt mốc 100 triệu USD/năm. Đến nay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đã đạt 1.694 triệu USD...

Những kết quả đạt được đó không có phép màu nào mang lại mà đó là thành quả của sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Thực tế đã chứng minh, có ý tưởng, có quyết tâm, khát vọng, có sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị thì sẽ có thể biến những giấc mơ thành hiện thực. Trở lại với ý tưởng phát triển công nghiệp điện ảnh ở Ninh Bình hôm nay, cũng có những điều giống với những giấc mơ của nhiều cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh ta hơn 30 năm trước.

Tại thời điểm này, nếu nói công nghiệp điện ảnh của Ninh Bình là con số 0 cũng đúng, mà nói Ninh Bình đã có những tiền đề bước đầu quan trọng để phát triển công nghiệp điện ảnh cũng đúng. Bởi vì, nhiều cảnh quan thiên nhiên của Ninh Bình đã được đưa lên phim ảnh cả trong nước và quốc tế rất nổi tiếng. Các phim như: Người Mỹ trầm lặng (năm 2002); Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc (2006); Thiên mệnh anh hùng (2012); Con thuyền số phận (2014); Tấm Cám: chuyện chưa kể (2016); Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu) sản xuất năm 2017; Lỗi của sơn thần (2017); Hương vị tình thân (2021)... Đặc biệt, bộ phim "Đông Dương" năm 1992 của Điện ảnh Pháp có bối cảnh quay tại Ninh Bình đã đoạt giải OSCAR.

Tuy vậy, hiện tại Ninh Bình đang chủ trương phát triển công nghiệp điện ảnh trong điều kiện khởi đầu khó khăn (không nhân lực, không phim trường, không có các trang, thiết bị hỗ trợ…), nhưng Ninh Bình có những yếu tố và điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Đó là cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và nổi tiếng, truyền thống lịch sử vẻ vang và giá trị văn hóa đặc sắc với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Vùng đất Ninh Bình là nơi lưu dấu của người Việt cổ từ hàng vạn năm trước. Trong 10 thế kỷ đầu công nguyên, vùng đất Ninh Bình luôn giữ vai trò là một trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, có đóng góp quan trọng trong hình thành quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt, năm 968, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm bị ngoại bang đô hộ đã tạo dấu mốc quan trọng, khơi mạch nguồn lịch sử của đất nước đến hôm nay.

Những nhân vật lịch sử, những chiến công của quá trình lập quốc, định đô, phá Tống, bình Chiêm, giữ yên và mở mang bờ cõi đất Việt của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý ở Hoa Lư, Ninh Bình sẽ là "chất liệu" tuyệt vời để có thể làm nên những tác phẩm điện ảnh hàng trăm tập.

Trong chiến lược phát triển của mình, tỉnh Ninh Bình cũng đã và đang xác định mục tiêu phục dựng, phỏng dựng lại Kinh đô Hoa Lư xưa, vừa có thể làm trường quay cho điện ảnh và vừa để phục vụ phát triển du lịch. Và điều quan trọng là lãnh đạo tỉnh cùng với Nhân dân Ninh Bình đã nhìn nhận ra vấn đề, có khát vọng, quyết tâm phát triển công nghiệp điện ảnh trong chiến lược phát triển du lịch và công nghiệp văn hóa, làm hướng đi mới cho Ninh Bình.

Qua tham vấn, lãnh đạo và các chuyên gia của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam ủng hộ, đánh giá cao ý tưởng và mong muốn phát triển công nghiệp điện ảnh của tỉnh Ninh Bình, đồng thời gợi mở rất nhiều vấn đề cần tiến hành trong thời gian tới. Điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần có nhận thức đúng về công nghiệp điện ảnh, đồng thời tỉnh phải xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể. Nếu có cơ chế, chính sách cụ thể, hấp dẫn, thông thoáng chắc chắn sẽ có các đoàn làm phim, các đạo diễn, các tác giả kịch bản... tài giỏi trong nước và quốc tế về Ninh Bình để cùng với địa phương đánh thức tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh.

Thành phố Hoa Lư-Ninh Bình sẽ trở thành một trong những trung tâm điện ảnh của cả nước. Nơi đây sẽ là địa điểm để tổ chức Liên hoan phim toàn quốc, của châu Á và Liên hoan phim quốc tế trong tương lai. Điều đó rất có thể sớm trở thành hiện thực từ những ý tưởng của ngày hôm nay. Mọi thành quả đều bắt đầu từ ý tưởng. Có bước đi đầu tiên để thực hiện ý tưởng, đường xa mấy cũng sẽ đến đích. Chỉ có không dám nghĩ và không đi thì sẽ không bao giờ đến đích mà thôi.

Nguyễn Đông

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tu-y-tuong-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh/d20240802142710854.htm