Tuần biến động trên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần biến động mạnh, chỉ số VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm.

Chỉ số VN-Index hồi phục sau khi giảm mạnh vào ngày 1-8. Ảnh chụp qua màn hình

Chỉ số VN-Index hồi phục sau khi giảm mạnh vào ngày 1-8. Ảnh chụp qua màn hình

Đáng chú ý là phiên ngày 1-8, áp lực bán mạnh và bất ngờ khiến chỉ số VN-Index giảm tới 24,55 điểm, xuống dưới ngưỡng 1.230 điểm. Đến phiên cuối tuần, thị trường hồi phục trở lại khi tăng 9,64 điểm song chưa thể lấy được những gì đã mất. Kết tuần, chỉ số VN-Index giảm tổng cộng 5,51 điểm (-0,44%) so với cuối tuần liền trước, dừng tại mức 1.236,6 điểm.

Thanh khoản cải thiện với khối lượng khớp lệnh tăng. Điểm tích cực đáng chú ý là khối ngoại đã có sự đảo chiều mua ròng trong 2 phiên đầu tiên của tháng 8. Đây có lẽ là tín hiệu khởi đầu cho một chu kỳ mua ròng mới sau quá trình bán ròng mạnh lên tới khoảng 60.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Biến động đáng chú ý trong tuần qua là sự bùng nổ của nhóm hàng tiêu dùng với giá trị giao dịch tăng 114% so với tuần trước liền trước và biên độ tăng giá cũng đạt mức tăng 1,76%.

Chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, phiên đảo chiều tăng điểm cuối tuần chưa thể kết luận thị trường đã tạo đáy xong, nhưng vẫn là một tín hiệu cho thấy lực cầu đã bắt đầu gia tăng.

“Về xu hướng của thị trường, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nên chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, tạm thời chưa nên mở thêm vị thế mua mới hay gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đang có trong danh mục, thay vào đó cần kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu tích cực rõ ràng hơn. Trong chiều hướng giảm giá, chúng tôi kỳ vọng ngưỡng 1.195 điểm tiếp tục là mốc hỗ trợ quan trọng của VN-Index trong tuần tới”, chuyên gia doanh nghiệp này khuyến nghị.

Còn chuyên gia Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhìn nhận, trong ngắn hạn, thị trường đầu tháng 8 với khoảng trống thông tin về doanh nghiệp sau báo cáo quý II-2024 đã công bố. Do đó, thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, tăng trưởng GDP. Nhà đầu tư ngắn, trung hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý, mức trung bình và xem xét cơ cấu giảm tỉ trọng các mã có kết quả kinh doanh quý II-2024 không như kỳ vọng để cơ cấu sang các doanh nghiệp đầu ngành, cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, vượt kỳ vọng.

Đối với các vị thế giải ngân mới, có thể xem xét giải ngân ở mức giá hợp lý đối với các doanh nghiệp đầu ngành, cơ bản tốt, dựa trên kết quả tăng trưởng quý II và kỳ vọng tăng trưởng tốt trong cuối năm. Với chỉ số VN-Index, nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ thoát khỏi xu hướng tích lũy ngắn, trung hạn kéo dài hiện nay, trước khi có các quyết định mới.

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuan-bien-dong-tren-thi-truong-chung-khoan-673865.html