Tuần đầu tiên triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP:Ghi nhận những chuyển biến tích cực

Nhìn lại tuần đầu tiên triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, cho thấy những chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.

Đây được xem là bước khởi đầu quan trọng, khẳng định sự quyết tâm của Thủ đô trong việc thay đổi diện mạo giao thông và thiết lập trật tự trên đường phố.

Người tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư đường Giải Phóng - Lê Duẩn - Đại Cồ Việt - Xã Đàn.

Người tham gia giao thông dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư đường Giải Phóng - Lê Duẩn - Đại Cồ Việt - Xã Đàn.

Hình thành thói quen tuân thủ pháp luật

Trong gần 1 tuần qua (từ ngày 1-1-2025 đến nay), trên những tuyến đường từng mệnh danh “con đường đau khổ” vì thường xuyên xảy ra ùn tắc như Lê Văn Lương, Thái Hà, Láng Hạ, đường Láng, Nguyễn Trãi… đã xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp. Đó là người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành tín hiệu đèn giao thông, dù vắng bóng Cảnh sát giao thông.

Anh Nguyễn Tuấn Hải (ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) là lái xe Grab chia sẻ, dù kiên nhẫn chờ đèn giao thông nhưng khi tất cả mọi người đều tuân thủ thì không xảy ra xung đột tại các ngã tư. Người tham gia giao thông tuân thủ đúng nhịp đèn lưu thông bình thường.

Trực tiếp làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, Thiếu tá Đặng Trần Hưng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại nút giao thông 4 tầng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, tình trạng vượt đèn đỏ đã gần như chấm dứt. Có được những thay đổi về mặt tư duy và nhận thức này là nhờ việc triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Đặc biệt, ghi nhận trong đêm 2 và rạng sáng 3-1, khi hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024, trên các tuyến đường chính hướng về khu vực hồ Hoàn Kiếm, quận Ba Đình, Mỹ Đình, Đại Cồ Việt…, Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai các tổ công tác ứng trực. Ghi nhận cho thấy, dòng người và phương tiện đông nghịt luôn nêu cao ý thức tuân thủ các quy định về giao thông, nghiêm chỉnh dừng lại chờ đèn tín hiệu. Từ Trung tâm chỉ huy tín hiệu đèn giao thông cho thấy, ở nhiều ngã tư, dù không có sự điều tiết trực tiếp từ lực lượng công an, người dân vẫn tự giác dừng xe và nhắc nhở nhau chấp hành đúng luật.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông khẳng định, hình ảnh đẹp về ý thức giao thông trong đêm ăn mừng không chỉ phản ánh sự văn minh của người dân Hà Nội, mà còn là minh chứng cho sự thay đổi tích cực trong nhận thức cộng đồng. Những hành động nhỏ như dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya trong dòng cảm xúc hân hoan đã góp phần xây dựng một Thủ đô an toàn, văn minh.

Xây dựng nét văn hóa Thủ đô

Là một trong những người đầu tiên bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP với mức phạt 5 triệu đồng tại ngã tư Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), anh L.T.L. (sinh năm 1998 ở Yên Bái) bày tỏ, mức phạt cao gần bằng chiếc xe máy cũng như tháng lương "chạy grab", là bài học kinh nghiệm sâu sắc để anh không bao giờ tái phạm…

Còn sinh viên Nguyễn Tùng Dương ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, việc tăng mức xử phạt để răn đe với các hành vi vi phạm là cần thiết. “Cá nhân tôi đã nắm được tinh thần của việc xử lý tăng mức phạt để hướng tới xây dựng văn hóa giao thông trong xã hội văn minh, hiện đại, thượng tôn pháp luật”, Nguyễn Tùng Dương nói.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất là tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, di chuyển trong trật tự, nhường nhau trên đường cho thấy ý thức vì cộng đồng của người dân Thủ đô rất cao. Việc tăng cường xử phạt giao thông ở mức cao chính là phép thử cho ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi công dân Thủ đô. Nhìn từ thực tế bức tranh giao thông Thủ đô qua phản ánh của báo chí và trên mạng xã hội, có thể thấy việc xây dựng văn hóa giao thông hoàn toàn có cơ sở thành công từ những việc đơn giản như không đi xe trên vỉa hè, không vượt đèn đỏ…

Điều đáng mừng là người dân Thủ đô bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ cao với những biện pháp mới được triển khai. Việc đồng tình ủng hộ này được thể hiện bằng hành động cụ thể, tuân thủ các tín hiệu đèn, vạch kẻ giao thông bất kể ngày và đêm, kể cả khi có hay không có lực lượng chức năng ứng trực trên đường…

Điều này được Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, triển khai Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Công an thành phố xác định phải tạo sự chuyển biến thực chất trong ý thức và hành vi của người tham gia giao thông. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội tạo bứt phá để xây dựng giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo thống kê, từ ngày 1 đến hết 4-1, toàn thành phố đã xử lý 3.329 trường hợp vi phạm, trong đó đường bộ có 3.292 trường hợp, đường sắt 2 trường hợp, đường thủy 35 trường hợp. Các lỗi vi phạm vượt đèn đỏ 150 trường hợp, vi phạm đường cấm ngược chiều 107 trường hợp, vi phạm tốc độ 166 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 479 trường hợp, vi phạm nồng độ cồn 690 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 1.114 trường hợp... Phạt tiền ước tính hơn 8,5 tỷ đồng, tạm giữ 983 phương tiện, tước 102 giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe 350 trường hợp (45 ô tô, 305 mô tô).

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuan-dau-tien-trien-khai-nghi-dinh-168-2024-nd-cp-ghi-nhan-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-689682.html