Tuần Giáo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

ĐBP - Công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn huyện Tuần Giáo được triển khai nghiêm túc và từng bước đi vào nền nếp. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo, huy động được sự đóng góp tích cực của nhân dân vào sự phát triển của địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện.

Công chức bộ phận “Một cửa” xã Pú Nhung giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Diệp Chi

Việc thực hiện QCDC theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11 được huyện Tuần Giáo triển khai nghiêm túc tại 19/19 xã, thị trấn. Việc tổ chức công khai cho nhân dân biết 11 nội dung phải theo quy định của Pháp lệnh 34 đã được cấp ủy, chính quyền các xã thực hiện, từng bước đi vào nền nếp, phát huy dân chủ, bảo đảm đúng hướng dẫn. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “Một cửa” được các xã thực hiện tốt. Ðến nay đã triển khai cơ chế “Một cửa” ở 19/19 xã, thị trấn (đạt 100%). Các cấp từ huyện đến xã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công bố thủ tục hành chính kịp thời, đúng quy định. Các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí được công khai ngay tại bộ phận “Một cửa” và bố trí ở nơi người dân dễ quan sát. Theo ghi nhận, hầu hết các thủ tục hành chính được cấp xã hướng dẫn, tiếp nhận đúng quy định, giải quyết ngay cho công dân với tỷ lệ giải quyết đúng hạn luôn ở mức cao. Ông Giàng A Kỷ, Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được niêm yết công khai, minh bạch tại Bộ phận một cửa UBND từ quy trình, thời gian giải quyết, phí và lệ phí theo quy định để người dân có thể dễ dàng quan sát. Tổng số thủ tục hành chính được thực hiện đến thời điểm hiện tại là 141 thủ tục. Số hồ sơ đã giải quyết trả đúng hạn luôn đạt 100%.

Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuần Giáo quán triệt và tập trung triển khai thực hiện. Việc thực hiện các nội dung dân bàn, quyết định, dân tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra được hầu hết các xã thực hiện tốt, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân như: Ðóng góp đầu tư xây dựng các công trình cộng đồng, các khoản ủng hộ vào các quỹ từ thiện, nhân đạo; đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; các dự án xây dựng, quy hoạch, các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chương trình xây dựng nông thôn mới... Ví dụ như trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng, các cấp ủy Ðảng, chính quyền cơ sở đã thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng trong phạm vi cấp xã và ở thôn, bản. Các công trình do nhân dân tự quản, đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, không áp đặt hoặc can thiệp vào công việc của nhân dân, tạo mọi điều kiện để nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định. Giúp nhân dân thực hiện việc giám sát là Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã. Từ đầu năm đến nay, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Chiềng Ðông đã tiến hành giám sát việc xây dựng đường giao thông nông thôn ở các bản; xã Nà Sáy giám sát hỗ trợ giống mít cho người dân; xã Tênh Phông giám sát công trình xây dựng Nhà văn hóa xã… Ban Thanh tra nhân dân xã Nà Sáy cũng tiến hành giám sát chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; xã Tênh Phông giám sát việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Thông qua hoạt động của các Ban này, quyền giám sát được thực hiện đầy đủ và hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Cùng với đó, 19/19 xã, thị trấn định kỳ tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức và Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân. Nội dung xoay quanh các lĩnh vực như: Tài nguyên môi trường, xây dựng, kinh tế - văn hóa - xã hội, các thủ tục hành chính, quốc phòng - an ninh… Ðiều dễ nhận thấy nhất là qua những hội nghị trao đổi, đối thoại này, cấp ủy, chính quyền đã gần dân, sát địa bàn, cơ sở hơn; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để chăm lo cho nhân dân được tốt hơn, đồng thời phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước. Mới đây, Ủy ban MTTQ xã Mùn Chung đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền xã với nhân dân. Tại hội nghị này, nhân dân xã Mùn Chung đã nêu lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, trong đó nổi bật là những trăn trở về việc góp đất trồng cây cao su hay việc hỗ trợ nguyên vật liệu để bà con kè suối, đảm bảo sản xuất, sinh hoạt… Tất cả những ý kiến đó đều được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, ghi nhận và có những giải đáp kịp thời để người dân yên tâm, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Thông qua việc thực hiện QCDC ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Những việc nhân dân được biết, được bàn, được làm, được tham gia ý kiến và giám sát được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, giám sát hoạt động của chính quyền, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, quan liêu tham nhũng trong đội ngũ cán bộ cơ sở.

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/180836/tuan-giao-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so